Doanh nghiệp Mỹ tìm đủ cách chống lệnh Tổng thống Trump

09/02/2017 15:00 GMT+7

Hơn 100 công ty đứng sau cuộc chiến pháp lý chống lệnh di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi những hãng khác thì dùng quảng cáo Super Bowl để truyền đi thông điệp về hòa nhập, bao dung đến 111 triệu người.

Theo CNN, những lời phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ đến từ đảng Dân chủ và tòa án, nó còn đến từ giới doanh nghiệp Mỹ. Các công ty hiện lo ngại về quyền tiếp cận đối với lao động nước ngoài có tay nghề và thị trường ngoại quốc. Sự phản đối của giới doanh nghiệp đang đi xa hơn, trong một số trường hợp, nhiều hãng Mỹ gọi đây là hành động vi hiến hoặc cho rằng nó xung đột với các giá trị của người Mỹ.
Tất cả các công ty phản đối sắc lệnh mới đều đối mặt với câu hỏi hóc búa: làm thế nào để phản ứng trước một tổng thống đắc cử nhờ lá phiếu từ chính khách hàng của họ.
Hôm 27.1, ông Trump ra lệnh nước Mỹ tạm thời ngừng nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh đối với công dân bảy nước Hồi giáo. Sắc lệnh trên bị ngừng lại hồi cuối tuần trước sau khi bị thẩm phán liên bang bác bỏ. Theo CNN, phản ứng mạnh mẽ nhất của giới doanh nghiệp Mỹ thể hiện vào ngày 5 và 6.2, khi 127 công ty - hầu hết là thuộc ngành công nghệ - cùng có hành động pháp lý chống lệnh ông Trump. Trong số này có hãng Facebook, Google, Apple, Microsoft và cả CEO Tesla cùng SpaceX, ông Elon Musk.
Song đứng sau đơn kiện nộp lên tòa không phải là con đường duy nhất mà các hãng Mỹ lựa chọn. Tuần trước, CEO Starbucks Howard Schultz cho hay công ty ông sẽ tuyển 10.000 người tị nạn. “Chúng ta có lịch sử lâu dài trong việc thuê tuyển người trẻ đang tìm kiếm cơ hội và con đường đến cuộc sống mới trên toàn thế giới”, ông Schultz viết trong bức thư gửi nhân viên.
Hãng Ford Motor có trụ sở ở Dearborn, bang Michigan - nơi có mật độ người Mỹ gốc Ả Rập cao nhất nước - đưa ra tuyên bố mạnh mẽ phản đối lệnh cấm. Ford cho rằng sắc lệnh vi phạm các giá trị của doanh nghiệp, trong đó có yếu tố tôn trọng và hòa nhập.
General Electric (GE) thì gửi thông điệp đến nhân viên và CEO Jeff Immelt của hãng phản đối lệnh cấm. CEO Goldman Sachs Lloyd Blankfein nói với nhân viên: “Đây không phải là chính sách mà chúng tôi ủng hộ”, cho rằng tính đa dạng trong xã hội không phải là một lựa chọn mà là điều mà người Mỹ phải có.
Tối 5.2, các doanh nghiệp chi hàng triệu USD cho từng quảng cáo xuất hiện trong Super Bowl - chương trình truyền hình lớn nhất trong năm, đem đến hàng triệu khán giả thông điệp ủng hộ nhập cư.
84 Lumber thể hiện hành trình gian khổ của một người mẹ và con gái đến Mỹ, tìm kiếm con đường bước qua cánh cửa biên giới. Thông điệp trong quảng cáo trên là “Ý chí vươn đến thành công luôn được chào đón ở đây”. Hãng Coca-Cola phát bài America the Beautiful đa ngôn ngữ, được chơi trên đoạn phim có nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Thông điệp cuối đoạn quảng cáo là “Together is Beautiful”. Hãng Airbnb chiếu đoạn phim nói về nước Mỹ đa văn hóa, kết thúc với hashtag “#WeAccept”. Anheuser-Busch, hãng sản xuất bia Budweiser, thì dùng quảng cáo để kể câu chuyện về nhà sáng lập công ty là người nhập cư.
Một số giám đốc điều hành như ông chủ Tesla và SpaceX Elon Musk nói rằng họ đang nỗ lực thay đổi chính sách thông qua các kênh khác. Không như CEO Uber Travis Kalanick, ông Musk tiếp tục ở lại hội đồng tư vấn kinh doanh của ông Trump sau sắc lệnh di trú.
Dù vậy, giới doanh nghiệp Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn từ phía khách hàng sau khi chống lệnh ông Trump. Đã có nhiều cuộc kêu gọi tẩy chay vài doanh nghiệp sau khi các đoạn quảng cáo được phát sóng.
Hiện tại, Ford và nhiều nhà sản xuất ô tô đang chờ đợi chính sách dành cho xe hơi và các linh kiện lắp ráp ở Mexico mà họ phải phụ thuộc. Các nhà sản xuất xe nói chung và Ford nói riêng đã và đang là mục tiêu của ông Trump trong các bài viết trên mạng xã hội Twitter. Trong khi đó, Goldman Sachs và các doanh nghiệp Phố Wall thì chờ đợi quy định mới áp dụng cho ngành dịch vụ tài chính khi ông Trump đang tính đảo ngược đạo luật Dodd-Frank.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.