“Vào vùng nước đục tìm cá lớn”. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức nói đó là câu mà Thủ tướng Campuchia Hunsen nói với ông khi trao đổi về cơ hội đầu tư ở Campuchia. Với ông Đức và nhiều nhà đầu tư VN khác, Lào chính là vùng nước tuy đục nhưng chứa trong đó những con cá lớn.
100 tỉ đồng lợi nhuận đầu tiên
Ngày 11.5, HAGL đã tổ chức lễ khởi công bệnh viện 200 giường, khánh thành cầu Sê Sụ, bàn giao làng tái định cư 250 căn, công bố dự án xây mới toàn bộ trung tâm hành chính huyện Phu Vông tại tỉnh Attapư ở miền Nam Lào, tổng kinh phí cho các dự án này lên đến 30 triệu USD do HAGL tài trợ không hoàn lại. Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Lào, ông Xổm Xa Vạt Leng Xa Vát nói: “Tôi mong các doanh nghiệp VN nhìn vào thành quả của HAGL mà tăng cường đầu tư vào Lào. Không phải chỉ vì lợi ích của Lào mà vì chính lợi ích của họ”.
Các công trình hạ tầng nói trên của HAGL nhằm cải thiện đời sống của người dân ở Attapư, một trong 4 tỉnh nghèo nhất của Lào, đó cũng là cách thể hiện sự biết ơn đối với “vùng nước” tuy đục nhưng HAGL đã tìm được “con cá lớn”.
Trong nước, các thị trường lớn TP.HCM và Hà Nội đều đã rất chật chội. Ra nước ngoài, lăn lộn vào những vùng khó khăn, lạc hậu ở Campuchia và Lào, chúng tôi đã tìm được “cá lớn
|
|
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức |
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Hiện HAGL đã trồng tại tỉnh này 16.000 ha cao su, trong đó có diện tích đã trồng được 2 năm, Chính phủ Lào cũng đã đồng ý cấp cho HAGL thêm 15.000 ha nữa. Tháng 8 tới đây, 2 dự án thủy điện Nậm Kông 2, Nậm Kông 3 có tổng công suất 120 MW sẽ được khởi công. HAGL cũng đang chuẩn bị khai thác 1 mỏ sắt trữ lượng lên đến 100 triệu tấn, 1 mỏ đồng ở tỉnh Xê Kông, 1 dự án bất động sản tại Viêng Chăn. Tổng vốn đầu tư của HAGL vào Lào lên đến 450 triệu USD”.
Về hiệu quả đầu tư, ông Đức phân tích: “Có thể nói đơn giản là suất đầu tư 1 ha cao su khoảng 70-80 triệu đồng, sau khoảng 5 năm thì bắt đầu thu hoạch. Đất ở đây cao su phát triển rất tốt, trồng 2 năm cây phát triển bằng 3 năm ở VN. Trung bình 1 ha cao su có thể thu hoạch 2,5 tấn mủ/năm, giá hiện nay là 3.500 USD/tấn. Về khoáng sản, mỏ sắt của HAGL hoàn toàn lộ thiên, chúng tôi đã chuẩn bị bán 100.000 tấn quặng sắt đầu tiên, giá quặng hiện nay khoảng 150 USD/tấn trong khi chi phí khai thác chỉ chiếm khoảng 20% giá bán. Không chỉ ở Lào, hiện HAGL cũng đã đầu tư khai thác 1 mỏ sắt trữ lượng 30 triệu tấn, triển khai thăm dò 1 mỏ khác trên diện tích 160 km2, trồng 8.000 ha cao su ở Campuchia”.
Ông Đức cũng thông tin thêm: “Năm 2008, HAGL đã chuyển từ Lào về nước 100 tỉ đồng lợi nhuận đầu tiên. Trong nước, các thị trường lớn TP.HCM và Hà Nội đều đã rất chật chội. Ra nước ngoài, lăn lộn vào những vùng khó khăn, lạc hậu ở Campuchia và Lào, chúng tôi đã tìm được “cá lớn”. Từ năm 2011-2012, lợi nhuận chủ yếu và rất lớn của HAGL sẽ đến từ khoáng sản, 2 năm sau đó là từ cao su. Hiện diện tích cao su của HAGL ở VN, Lào, Campuchia đã lên đến 51.000 ha”.
Nhiều dự án đầu tư
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Lào, TS Tạ Minh Châu cho biết: “Hiện VN xếp thứ 3 về đầu tư tại Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan. Lào đã cấp phép cho khoảng 200 dự án đầu tư của VN, tổng vốn đăng ký 2,1 tỉ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp (trồng cao su, cà phê), thủy điện, thăm dò khai thác khoáng sản, dịch vụ. Hiện Tập đoàn Golf Long Thành đã khởi công một dự án sân golf, khách sạn có tổng vốn đăng ký lên đến 1 tỉ USD ở Viêng Chăn”.
Công ty CP đầu tư Sài Gòn (SGI) đang triển khai hai dự án thủy điện tại Lào là Nậm Ngừng 4, công suất 200 MW và Nậm Sâm, công suất 280 MW có tổng đầu tư 800 triệu USD. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT SGI cho biết, thủy điện Nậm Sâm dự kiến hoàn thành vào năm 2013 và sẽ bán điện về VN. SGI còn là chủ đầu tư một khách sạn 4 sao ở Sầm Nưa, kinh phí 5 triệu USD giai đoạn 1.
Công ty cao su Đắk Lắk thành lập công ty con tại huyện Paksê, tỉnh Chămpasak, Lào, để thực hiện dự án phát triển 10.000 ha cao su và cây công nghiệp khác ở 4 tỉnh thuộc phía Nam nước Lào. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án này là 30 triệu USD nhưng năm 2009 được cấp phép bổ sung lên 50 triệu USD, hiện đã giải ngân 32 triệu USD.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, cơ hội đầu tư vào Lào còn rất lớn, nhưng nếu doanh nghiệp VN không nhanh chân, cơ hội đó sẽ thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc, Thái Lan, Nga. “Tuy nhiên, cơ hội này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, không có chỗ cho ngắn hạn”, ông Đức nói. Hạn chế khi đầu tư vào Lào, theo ông Đức, đó là thủ tục hành chính khá lâu, lao động ít, có tay nghề thấp phải qua đào tạo lại.
Để thúc đẩy đầu tư vào Lào, theo các doanh nghiệp, cần nhanh chóng xem xét hiệp định chống đánh thuế hai lần và thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư VN vào Lào, nhằm hỗ trợ những nguồn lực cần thiết.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Bộ KH-ĐT Lào, một số lĩnh vực tiềm năng mà Lào đang khuyến khích các doanh nghiệp VN đầu tư gồm xây dựng cơ sở hạ tầng; khách sạn, nhà hàng, du lịch; trồng trọt, chế biến nông nghiệp... Thuận lợi khi đầu tư vào Lào là an ninh chính trị - xã hội ổn định; hệ thống pháp luật, pháp lý đầy đủ tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư; tài nguyên thiên nhiên khoáng sản, thủy điện... phong phú. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, dịch vụ không như mong muốn, phân cấp phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả... |
Ngọc Sơn - N.Trần Tâm
Bình luận (0)