Đây là một trong những giải pháp chính được đề cập tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, diễn ra tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang) ngày 19.2.
ĐBSCL năm nay sẽ bỏ vụ lúa xuân hè - Ảnh: Đình Tuyển |
Diễn đàn do Bộ NN-PTNT tổ chức, nhằm đưa ra giải pháp giúp vùng ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và thích ứng biến đổi khí hậu.
|
|
Giảm chi phí giống, phân
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng với khoảng 4 triệu ha lúa gieo sạ mỗi năm, chiếm khoảng 55% diện tích lúa cả nước, ĐBSCL có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đợt thiên tai hạn, mặn lịch sử đang diễn ra. Để thích ứng, một trong những giải pháp là khắc phục ngay những hạn chế như cơ cấu mùa vụ, giống không hợp lý. Theo đó, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của vùng rất thấp bởi việc sử dụng quá nhiều lượng giống (một số địa phương sử dụng đến 200 kg lúa giống/ha), đang hạn chế chất lượng gạo. Ngoài ra, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá nhiều… cũng góp phần “đội” chi phí sản xuất quá cao.
Ông Doanh chính thức phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ tại vùng ĐBSCL với các nội dung cơ bản như: mỗi địa phương chỉ nên có 3 giống chủ lực; áp dụng quy trình canh tác 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm, hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ giảm lượng giống. Viện Lúa ĐBSCL cần tăng cường sản xuất, quản lý giống siêu nguyên chủng, chủ động trong sản xuất và cung cấp cho địa phương. Các địa phương tăng cường các biện pháp đến năm 2020 giảm lượng giống còn 80 kg/ha và sử dụng giống lúa xác nhận trên 75%. “Nếu toàn vùng gieo sạ còn 80 kg/ha sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tấn lúa giống mỗi năm, tương đương khoảng 4.500 tỉ đồng. Đây là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân”, ông Doanh tính toán.
Không xuống giống lúa xuân hè
Ngoài việc giảm lượng giống, tại diễn đàn, nhiều nhà khoa học khẳng định cần thay đổi cơ cấu mùa vụ để phù hợp hơn với tình hình, giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực của khô hạn, xâm nhập mặn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm - Cục Trồng trọt, đề xuất đối với thời vụ, cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ lúa năm 2016 hợp lý, né tránh hạn, mặn, việc xuống giống tập trung, nhanh và gọn. Cụ thể, vụ lúa hè thu 2016 tập trung xuống giống vào tháng 4, tháng 5 để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Các địa phương không xuống giống lúa xuân hè 2016 vì hiện nay lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa đang rất khan hiếm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa kể vụ lúa này thường là cầu nối dịch hại cho vụ lúa chính hè thu 2016.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có. Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương ngoài các ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt các tỉnh ven biển; sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; chọn các giống lúa chịu hạn, phèn mặn trung bình khá...
Ngày 19.2, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa gửi tờ trình lên UBND tỉnh xin tạm ứng ngay 6 tỉ đồng để chống hạn và xâm nhập mặn vụ lúa đông xuân trên địa bàn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện tượng El Nino mạnh nhất trong 100 năm gần đây đang tác động mạnh đến Bạc Liêu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại tiểu vùng ngọt ổn định, mực nước ngọt đang dần xuống thấp và có nguy cơ sẽ bị mặn xâm nhập, gây ảnh hưởng hơn 8.500 ha lúa đông xuân ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi... Trong khi đó, khu vực nuôi tôm thuộc vùng bắc QL1A đang thiếu nước mặn trầm trọng, hệ thống kênh nội đồng bị cạn kiệt. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trồng lúa và nước mặn nuôi tôm, ngoài các biện pháp điều tiết nước liên tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu cần đắp ngay hàng loạt đập tạm ở các đầu kênh cấp 3, kênh nội đồng, nạo vét khơi thông các tuyến kênh nội đồng, tổ chức bơm chuyền nước để trữ và cấp nước đến từng hộ sản xuất lúa và nuôi tôm.
Trần Thanh Phong
|
Bình luận (0)