Du lịch Việt Nam thua Lào và Campuchia

10/09/2016 07:15 GMT+7

Chỉ số cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết du lịch VN xếp sau Lào, Campuchia ở nhiều khía cạnh quan trọng. Tăng trưởng lượng khách quốc tế hằng năm của VN cũng thua Lào, Campuchia.

Thua ngay trên sân nhà


Campuchia rất nhanh chân đặt văn phòng đại diện du lịch tại TP.HCM thông qua đầu mối là một doanh nghiệp du lịch lớn của họ, để thu hút du khách, quảng bá điểm đến ở VN. Ngược lại, cho tới nay, du lịch VN không có bất kỳ văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, kể cả ở các thị trường gần như Campuchia hay Lào.

Tại Hội chợ du lịch quốc tế (ITE) 2016 đang diễn ra ở TP.HCM (8 - 10.9), ngành du lịch Campuchia tham gia với một gian hàng quy tụ đông đảo doanh nghiệp của nước này. Sân khấu giữa gian hàng luôn sống động với những điệu múa Apsara, biểu diễn võ thuật truyền thống... Nhưng ấn tượng hơn hết, gian hàng của Campuchia giống như một Angkor Wat thu nhỏ và mô hình này được thống nhất ở tất cả các hội chợ du lịch mà nước này tham gia trên toàn thế giới. Trong khi đó, dù ITE diễn ra ngay tại sân nhà nhưng các công ty du lịch trong nước chỉ thuê gian hàng để bán tour; còn các địa phương như Hà Nội, TP.HCM... chỉ giới hạn trong việc quảng bá điểm đến địa phương. Cho nên, mang tiếng là hội chợ du lịch quốc tế, với vai trò trọng tâm là thu hút khách đến VN, ITE trở thành nơi để du lịch Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... lôi kéo khách Việt về nước họ.
Đây chỉ là một trong hàng loạt điểm yếu của du lịch VN so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt so với Lào, Campuchia. Ngành du lịch hai quốc gia kể trên có xuất phát chậm hơn VN rất nhiều nhưng đã tăng tốc và đang bám sát VN. Du khách nước ngoài đến Campuchia năm 2015 đạt
4,8 triệu lượt, tăng 6,1%, doanh thu từ du lịch tương đương 13% GDP. Trong đó, chỉ riêng Angkor Wat đã thu hút 4,5 triệu lượt người. Còn ngành du lịch Lào giữ mức độ tăng trưởng ổn định trong suốt nhiều năm, chẳng hạn năm 2012 tăng 22% lượng khách quốc tế, đến năm 2015 đạt mức 4,7 triệu lượt, tăng 13%. Trung bình du khách quốc tế đến Lào ở lại gần 8 ngày. Trong đó, đáng chú ý, thị trường khách đến từ các quốc gia láng giềng ASEAN chiếm tới 77% tổng số khách quốc tế của Lào, tăng 11% so với 2014.
Đối với VN, năm 2015 đạt 7,9 triệu lượt, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu từ du lịch chiếm mức khiêm tốn 6,6% GDP. Trước đó, năm 2013, khách quốc tế đến VN tăng 10% nhưng đến năm 2014 chỉ còn 4%. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết hiện VN đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế đến, nhưng chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu). Trong khi Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2011 - 2015 (trung bình lần lượt 12%/năm và 10%/năm) thì VN tăng trưởng chậm hơn (trung bình 7%/năm). So với các nước thuộc nhóm dưới, VN cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Lào (15%), Myanmar (51%).
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty du lịch VYC, cho rằng với sự linh hoạt và cởi mở trong chính sách, chắc chắn du lịch Campuchia và Lào sẽ nhanh chóng đuổi kịp VN về số lượng khách.
Nút thắt chính sách
Chỉ số cạnh tranh về du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hai năm một lần cho biết năm 2015, VN xếp trên Lào và Campuchia về xếp hạng chung (VN thứ 73, Lào thứ 96 còn Campuchia là 105) với một số chỉ số cao hơn như nguồn nhân lực, giá cả, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa... Nhưng, VN cũng thua Lào và Campuchia ở nhiều chỉ số quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách và điều kiện hỗ trợ. Nếu VN xếp ở nhóm đội sổ với vị trí 112 thì Campuchia ở vị trí 64, Lào là 80. Cụ thể, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch VN xếp ở vị trí rất thấp (119), trong khi Campuchia là 37, Lào hạng 50. Về độ mở quốc tế (các chính sách về thị thực...), VN đứng thứ 89, Campuchia thứ 59 và Lào thứ 76...
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt, thừa nhận du lịch Lào, Campuchia đang có những thay đổi tích cực hơn so với VN. Bộ Du lịch Campuchia 6 tháng một lần công bố phân tích thống kê số lượng khách đến, bao gồm độ tuổi, thị trường, chi tiêu... Dựa vào phân tích này, các công ty du lịch Campuchia sẽ có định hướng chiến lược tiếp thị, kinh doanh chi tiết và chính xác. Cái này du lịch VN chưa làm được. Là một trong những người đầu tiên mở tour đưa khách Việt đến Campuchia, ông Mỹ nhận định, môi trường du lịch nước này rất tốt, ăn đứt VN, khi ở các điểm tham quan chính không hề thấy nạn chèo kéo du khách, hàng rong được “quy hoạch” có chỗ đứng riêng, không có chuyện hai giá (giá dành cho du khách cao hơn giá dành cho người trong nước)... Đối với Lào, tài nguyên du lịch kém hơn VN vì không có biển nhưng lượng khách quốc tế tăng trưởng rất mạnh do giữ được môi trường du lịch sạch sẽ, an toàn; các điểm tham quan mới lạ.
Bên cạnh đó, trong khi Campuchia đã miễn thị thực cho 25 quốc gia, Lào miễn thị thực cho công dân của khoảng 40 quốc gia thì VN chỉ mới miễn thị thực cho khoảng 22 quốc gia, trong đó có 9 nước ASEAN. Campuchia áp dụng hình thức xin visa online (E-visa) gọn nhẹ dành cho hầu hết công dân các quốc gia trên thế giới. Lào áp dụng E-visa và thị thực tại cửa khẩu cho 150 quốc gia. Trong khi đó, VN có thể áp dụng thị thực điện tử từ ngày 1.1.2017. Chính sách thông thoáng trong vấn đề thị thực đã góp phần thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến với Lào, Campuchia. Khoảng 5 năm trước, VN từng đề xuất phương án “5 quốc gia, 1 thị thực” cho cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và VN, nghĩa là khách chỉ dùng 1 thị thực là có thể đi đến tất cả 5 nước kể trên. Sau đó, ngay lập tức Lào, Campuchia và Thái Lan chính thức hợp tác trao đổi du khách với nhau thông qua hình thức “2 quốc gia, 1 điểm đến” (khách có thị thực vào Thái Lan là có thể vào Lào/Campuchia và ngược lại). Còn VN, dù là phía đề xuất, nhưng lại không thể thực hiện cho tới thời điểm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.