Giữa tháng 12 vừa qua, chị Nguyên ngụ tại TP.HCM cùng cả gia đình đi Vũng Tàu. Sau khi tìm kiếm và so sánh giá cả, phút cuối chị đặt phòng qua trang Agoda.com. Dễ dàng, đơn giản là nhận xét đầu tiên khi chị Nguyên đánh giá về cách sử dụng trang mạng này dù đây là lần đầu tiên chị tự đặt phòng.
|
|
Trước đó, trong tháng 10.2016 gia đình anh Trung (ngụ tại Q.7, TP.HCM) đi du lịch tự túc đến Thái Lan cũng chọn đặt phòng khách sạn qua Agoda.com. Đáng chú ý là khi đặt nhầm thời gian, anh Trung gọi điện đến số đường dây nóng hỗ trợ khách hàng của trang web này thì được hướng dẫn khá chi tiết để thay đổi lại. Đây là số điện thoại từ Thái Lan nhưng vẫn có hướng dẫn hỗ trợ tiếng Việt cho khách hàng tại VN.
Bên cạnh Agoda, Priceline Group sở hữu trang web đặt phòng trực tuyến Booking.com cũng đang dần lớn mạnh tại VN. Tương tự còn có các trang Hotels.com hay Expedia.com cùng thuộc Công ty Expedia (Mỹ). Gần đây, dịch vụ cho thuê căn hộ, thuê phòng thông qua mạng Airbnb (được điều hành tại Mỹ) cũng có mặt tại VN và nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Chiếm thị phần lớn
Theo nhiều công ty du lịch, các trang mạng nêu trên chiếm doanh số ngày càng lớn, lên đến cả ngàn tỉ đồng. Trong đó, Agoda.com đứng đầu bảng khi nhận mức phí hoa hồng các khách sạn chia lại từ 10 - 25%. Vào VN từ khoảng năm 2010 nhưng chỉ sau 6 năm, Agoda đã chiếm thị phần lớn nhất, với lượng khách hàng nhiều nhất nên giá phòng tại Agoda.com luôn thấp nhất, số lượng phòng cũng áp đảo. Một chuyên gia trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến ước tính riêng Agoda một năm kiếm được ở VN khoảng 4.500 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD. “Đây là phần lãi của Agoda tại VN vì họ hoàn toàn không phải đóng thuế trên phần tiền này”, vị chuyên gia nói.
Hoạt động trong lĩnh vực này, ông Lê Đắc Lâm, Tổng giám đốc trang web đặt phòng khách sạn Vntrip.vn, phân tích khi người tiêu dùng Việt chi trả 100 USD tiền phòng thì Agoda được hưởng 20 USD. Ước tính đến năm 2020, riêng doanh thu từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ chiếm khoảng 21 tỉ USD. Trong đó, khoảng 50% doanh thu đến từ các trang web online, tương đương 10,5 tỉ USD. Và chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa thì sẽ đóng góp 5,25 tỉ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch, trong đó các công ty bán phòng online sẽ được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỉ USD (tính theo mức hoa hồng 20% cho 1 đơn đặt phòng). Vì thế, nếu không có chế tài kiểm soát, cộng dồn sau nhiều năm, nhà nước có thể thất thu đến 10.000 tỉ đồng vào năm 2020.
|
“Chúng ta muốn có công ty VN đủ mạnh để vươn ra thế giới, nhưng chúng ta lại không có chế tài nào để bảo vệ các công ty trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty quốc tế”, ông Lâm nói.
Chèn ép doanh nghiệp nội
Anh V.K, một người cho thuê phòng nhỏ lẻ qua trang mạng Airbnb, cho biết anh đăng ký trên các trang mạng nước ngoài vì thao tác đơn giản, chẳng hạn anh cho thuê giá 80 USD/phòng/đêm, thì chiết khấu lại cho trang mạng này khoảng 10%. Còn nếu bán ở TripAdvisor có doanh số từ 400 USD trở lên, mức chiết khấu sẽ tăng lên từ 12 - 13%. Cho đến nay, anh V.K vẫn chưa thấy cơ quan thuế thu thuế khoản thu nhập này của anh.
Ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập website du lịch Gotadi.com, cho rằng việc không thu được thuế các trang trực tuyến nước ngoài gây bất lợi cho doanh nghiệp (DN) trong nước. “Kinh doanh không phải nộp thuế nên khi một người đặt phòng khách sạn giá 100 USD, các trang mạng nước ngoài đút túi ngay 20% thì rõ ràng có lợi hơn phía DN trong nước phải trả các chi phí, và đóng thuế 20 - 22%”, ông nói. Các DN nước ngoài đã dùng nguồn lực này đầu tư lớn vào quảng bá thương hiệu, mang lại lợi thế hơn hẳn so với DN trong nước.
|
|
Tổng giám đốc một công ty du lịch ước tính số người Việt đi du lịch Thái Lan khoảng 850.000 người mỗi năm. Trong đó, theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, tỷ lệ đặt khách sạn qua mạng chiếm đến 50%. Nếu lấy bình quân một người lưu trú 2,5 ngày, với giá 50 USD/đêm/phòng, thì họ phải trả 125 USD tiền phòng. Chỉ tính riêng kênh đi Thái Lan, mỗi năm, người Việt bỏ ra khoảng 53 triệu USD đặt phòng qua mạng. “Xu hướng khách đi lẻ và đặt phòng qua mạng sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai. Ước tính đến năm 2020, riêng khu vực ASEAN, tổng doanh số du lịch trực tuyến bao gồm bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn... là 90 tỉ USD. Đây là một con số khổng lồ”, ông nói.
Đặt vấn đề này lên bàn lãnh đạo cơ quan thuế, người này cũng thừa nhận Agoda chưa thành lập DN tại VN mà chỉ có văn phòng đại diện nên cơ quan thuế chưa hiểu hết được cơ chế hoạt động và khó để lần theo dấu vết. Hiện cơ quan này đang ráo riết theo dõi để tìm hiểu cách thức thanh toán để có thể nắm được “tóc” Agoda cũng như các trang mạng khác.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN, lúc trước, quy mô hoạt động những trang mạng này tại VN còn nhỏ nên cơ quan thuế không quan tâm, đến thời điểm này miếng bánh đã lớn, thì việc kiểm soát hầu như vượt ra khỏi tay cơ quan thuế. Biện pháp có thể dùng đến là thuế nhà thầu, trong đó cơ quan thuế có thể khoán, thu hộ đối với các đối tác của Agoda tại VN. “Có thể bắt đầu yêu cầu báo cáo, thống kê từ những khách sạn tham gia vào chuỗi đặt phòng qua mạng, từ đó có bàn đạp để tiến sâu hơn. Chứ đến giờ cơ quan thuế mới chỉ có số liệu sơ sài, thì không thể nói là thất thu mà chưa thu được đồng nào”, ông nói.
Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang lại cho rằng DN hay người tiêu dùng VN mua dịch vụ của DN nước ngoài và được trả tiền thì cơ quan thuế có thể nắm được thông tin. Còn trong trường hợp này, người tiêu dùng trong nước hay người nước ngoài mua và trả tiền với Agoda, thì cơ quan thuế khó thể lần ra cũng như không thể thu thuế khách sạn vì người trả tiền thuê chỉ vào khách sạn ở, người thu tiền là Agoda.
Theo một chuyên gia tư vấn thuế, nhìn chung trên thế giới cũng đang tìm cách quản lý thị trường đối với các trang mạng tương tự, cụ thể biện pháp đưa ra là nếu các trang mạng này không tuân thủ việc nộp thuế sẽ bị phạt. Nếu có một chế tài đủ mạnh, cơ quan thuế thậm chí có thể phong tỏa lệnh chuyển tiền từ VN đến những tài khoản công ty nước ngoài.
Bình luận (0)