G20 cảnh báo nguy cơ Brexit đối với tăng trưởng kinh tế

25/07/2016 08:42 GMT+7

Bộ trưởng tài chính các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 vừa cảnh báo về sự thiếu chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit.

Theo AFP, đại diện chính phủ và người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước thuộc nhóm G20 vừa tập trung về Trung Quốc hôm 24.7. Ba tháng trước, họ nhắc đến khả năng Brexit trong danh sách các “rủi ro tiêu cực” trong kinh tế thế giới. Song với cú sốc đến từ kết quả công bố hôm 24.6, vấn đề Brexit đã leo đến vị trí quan tâm hàng đầu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho hay Brexit là vấn đề “chính” trong chương trình nghị sự của các bộ trưởng tài chính ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc). Trước cuộc họp vừa diễn ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, giới chức có mặt ở Thành Đô cho biết nhiều cuộc đàm phán về chuyện “ly hôn” kéo dài giữa EU và Anh có thể gia tăng rủi ro.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho hay: “Họ sẽ không đạt được điều đó trong một tuần hay một tháng. Đó là quá trình mất nhiều thời gian. Điều này sẽ phá vỡ niềm tin nếu trở thành quá trình mang tính đối đầu.
Bộ trưởng Tài chính mới của Anh, ông Philip Hammond, vừa gặp người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble hôm 23.7 và viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi cần một thỏa thuận phù hợp với cả người Anh lẫn Đức”.
Trong bức ảnh chụp kiểu gia đình với nhiều đại biểu khác hôm 24.7, ông Hammond ngồi hàng ghế đầu, song chỉ dành phần lớn thời gian trò chuyện với những người ngồi xung quanh, đơn cử là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim.
Bloomberg cho hay dự thảo thông cáo của hội nghị vừa rồi sẽ có đoạn tuyên bố nhóm nước đủ khả năng xử lý các hậu quả của cuộc bỏ phiếu Brexit. “Các thành viên G20 xác định rõ chủ động giải quyết các hậu quả kinh tế và tài chính tiềm năng bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh”, dự thảo viết.
Ngoài Brexit, các thách thức khác đặt ra cho tăng trưởng kinh tế thế giới gồm: sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, các cuộc tấn công khủng bố và âm mưu đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ - sự kiện vừa làm rung chuyển các thị trường tài chính.
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi cơ bản, biến tiêu thụ trong nước thành động lực chính thay cho chi tiêu công mạnh và xuất khẩu giá rẻ. Gặp gỡ tại trung tâm thương mại Thượng Hải của Đại lục hồi tháng 2, bộ trưởng tài chính các nước G20 từng đồng ý sử dụng “tất cả công cụ chính sách” gồm nới lỏng tiền tệ, chi tiêu tài khóa và thay đổi cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.