Theo Reuters, sản lượng dầu thô của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 4.2016 tăng 170.000 thùng lên 32,64 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, các nước xuất khẩu dầu lớn ngoài khối OPEC, như Nga cũng tăng nhanh sản lượng trong tháng 4.
Chốt phiên, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 6.2016 giảm 1,14 USD, tương đương 2,5%, xuống 44,78 USD/thùng, trong phiên, có lúc giá rơi xuống 44,54 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 7.2016 giảm 1,54 USD, tương đương 3,3%, xuống 45,83 USD/thùng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce và có lúc lên đến 1.304 USD/ounce - mức cao nhất trong 15 tháng qua. Sau khi, Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy sẽ tạm ngừng kích thích tiền tệ. Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ trước đó đã giữ nguyên lãi suất khi nền kinh tế cần sự hỗ trợ hơn nữa khiến đồng USD tiếp tục mất giá và vàng đang hưởng lợi. Ngoài ra, các quỹ đầu tư tăng đổ tiền vào vàng, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sau đó do áp lực chốt lời từ giới đầu tư, giá vàng quay về mức 1.291 USD/ounce, giảm 1 USD so với ngày giao dịch trước đó.
Sáng nay, dù đang trong kỳ nghỉ lễ nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước vẫn mở cửa giao dịch. Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tại TP.HCM niêm yết giá vàng ở mức 34,1 - 34,2 triệu đồng/lượng; Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 33,9 - 34,2 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 - 150.000 đồng/lượng so với giá ngày 30.4.
Hiện giá vàng trong nước tiếp tục nới rộng khoảng cách thấp hơn giá vàng thế giới từ 550.000 - 600.000 đồng/lượng.
Bình luận (0)