Dự thảo luật Nhà ở cho phép chủ đầu tư được thế chấp dự án, kể cả nhà ở đang xây dựng hình thành trong tương lai; khách hàng cũng được thế chấp những căn nhà này để vay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo góp ý dự thảo luật Nhà ở do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 21.3 cho rằng cần quy định chặt chẽ vấn đề này để hạn chế rủi ro cho người mua nhà, phát sinh khiếu kiện, tranh chấp.
Quy định chặt chẽ về nhà ở hình thành trong tương lai sẽ hạn chế rủi ro cho người mua nhà - Ảnh: Đình Sơn |
Điều 142 của dự thảo luật Nhà ở quy định chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại VN để vay vốn phát triển nhà ở nhưng phải giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở cho khách hàng. Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cũng được thế chấp nhà ở để vay vốn.
Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM cho rằng cơ quan quản lý sẽ khó có thể kiểm soát vấn đề này. “Chỉ mới là căn hộ trên giấy, làm sao biết chủ đầu tư bán cho bao nhiêu người. Một bất cập nữa là cơ sở dữ liệu hiện nay đang mới xây dựng, chưa liên thông với nhau nên ai làm nấy biết, rủi ro sẽ rất lớn cho khách hàng nếu chủ đầu tư cố tình làm bậy. Chủ đầu tư được thế chấp, khách hàng cũng được thế chấp. Một ngôi nhà mà hai lần thế chấp sẽ rất nguy hiểm”, vị này cho hay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng dự thảo nên quy định cụ thể về điều kiện nhà ở được phép tham gia giao dịch. Như quy định nhà ở trong các dự án xây dựng nhà ở trước khi giao dịch phải có văn bản về giải chấp hoặc văn bản chứng minh nhà ở hình thành trong tương lai được mua bán là chưa thế chấp để tránh trường hợp một căn nhà được thế chấp hai lần bởi cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Một chuyên gia cho rằng nếu chủ đầu tư đã bán căn hộ hình thành trong tương lai cho khách hàng mà vẫn đem thế chấp có thể bị xử lý hình sự, khép vào tội lừa đảo.
Đình Sơn
Bình luận (0)