Hãng hàng không giá rẻ mua cảng hàng không: Càng có lợi cho hành khách

18/03/2015 15:11 GMT+7

(TNO) Trao đổi Thanh Niên Online , Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Lương Hoài Nam cho biết đề xuất xin nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng của Jetstar Pacific Airlines (JPA) không chỉ có lợi cho hãng mà còn có lợi cho hành khách.

(TNO) Trao đổi Thanh Niên Online, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Lương Hoài Nam cho biết đề xuất xin nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng của Jetstar Pacific Airlines (JPA) không chỉ có lợi cho hãng mà còn có lợi cho hành khách.

Nếu đề xuất được chấp thuận, JPA sẽ biến nhà ga cũ Đà Nẵng thành nhà ga dành cho hàng không giá rẻ - Ảnh: Đình Quân

* Ông đánh giá như thế nào về việc JPA đề nghị nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng? Nếu được chấp thuận, JPA sẽ xây dựng hạ tầng dịch vụ hàng không giá rẻ như thế nào?

- Đề xuất của JPA phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động đầu tư và quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Nó phù hợp với tình hình thực tế là nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng với công suất 6 triệu hành khách đã sắp hết công suất thiết kế. Mặc dù nhà ga này mới được đưa vào khai thác từ cuối tháng 12.2011, nhưng do số lượng chuyến bay nội địa, quốc tế đến Đà Nẵng từ đó đến nay tăng rất mạnh, chỉ trong năm 2016 là công suất thiết kế của nó sẽ được sử dụng hết, cần phải thực hiện tiếp giai đoạn 2, nâng công suất nhà ga lên 10 triệu hành khách/năm, thậm chí cao hơn.

Việc cho phép JPA nhượng quyền khai thác nhà ga cũ (hiện không được sử dụng) sẽ tạo điều kiện hình thành một nhà ga hàng không giá rẻ đúng nghĩa, với các quy trình, trang thiết bị phục vụ đúng nhu cầu của hàng không giá rẻ, đơn giản, hiệu quả, trong khi lại tận dụng được một tài sản có sẵn, tiết kiệm đầu tư cho xã hội. Ở đó, máy bay của JPA có thể đậu sát nhà ga để hành khách đi bộ giữa nhà ga và máy bay. Với chi phí khai thác thấp hơn, tôi hi vọng là JPA sẽ cung cấp được nhiều giá vé máy bay rẻ hơn nữa, kích thích tăng trưởng thị trường, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và cho chính hãng hàng không. Nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng chỉ có một tầng trệt, rất phù hợp cho quy trình phục vụ hàng không giá rẻ.

Thời gian qua, việc đầu tư vào lĩnh vực hàng không trở nên sôi động khi liên tiếp các hàng hãng không đề nghị mua lại quyền khai thác các cảng hàng không quan trọng. Ngoài đề xuất xin nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng của JPA, hãng VietJet Air, Vietnam Airlines đề xuất mua lại quyền khai  thác nhà ga T1 Nội Bài, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất mua cảng hàng không Phú Quốc.

Giai đoạn hai mở rộng công suất nhà ga hiện tại của sân bay Đà Nẵng vẫn cần gấp rút được thực hiện cho nhu cầu phát triển, nhưng nếu nhà ga cũ được đưa vào sử dụng bằng việc cho JPA nhượng quyền thì công suất mở rộng nhà ga hiện nay sẽ được tính toán lại để giảm mức đầu tư cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cũng là cho xã hội.

* Theo ông, việc JPA chọn mua sân bay Đà Nẵng liệu có hợp lý chưa? Nhà đầu tư, nhất là hàng không giá rẻ, sẽ chọn Nội Bài hay Tân Sơn Nhất bởi đây là hai sân bay lớn có lượng hành khách đông và dịch vụ hàng không đa dạng?

- Ngoài nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng thì JPA chưa có cơ hội khác. Nhà ga T1 của sân bay Nội Bài đã được Vietnam Airlines và Vietjet Air đăng ký rồi. JPA là "con" của Vietnam Airlines, không thể tham gia vào thương vụ đó được nữa. Các sân bay khác chỉ có một nhà ga nội địa dùng chung cho tất cả hãng hàng không, không thể cho bất kỳ hãng hàng không nào nhượng quyền vì rủi ro cạnh tranh không lành mạnh.

* Được biết trong thời gian điều hành JPA và giai đoạn sau này, ông đã có ý định phát triển sân bay dành riêng cho hàng không giá rẻ nhưng không thành?

- Một số nước ở châu Âu hay Úc có sân bay chuyên dụng hàng không giá rẻ. Tôi cũng rất muốn ở Việt Nam có các sân bay chuyên dụng hàng không giá rẻ và các sân bay chuyên dụng dành cho hàng không chung (general aviation). Trong cơ chế đầu tư và quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay từ trước tới nay thì điều đó không thể xảy ra. 

Tiền trong dân không thiếu, miễn là có cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà đầu tư thấy việc đầu tư sân bay là dễ dàng, thuận lợi và được khuyến khích

Tổng giám đốc Lương Hoài Nam

Nhưng với chủ trương của Bộ trưởng Đinh La Thăng xã hội đầu tư sân bay thì các sân bay hàng không giá rẻ và sân bay hàng không chung có điều kiện trở thành hiện thực bằng vốn của các nhà đầu tư tư nhân hoặc vốn của các địa phương. Tiền trong dân không thiếu, miễn là có cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà đầu tư thấy việc đầu tư sân bay là dễ dàng, thuận lợi và được khuyến khích. Như lâu nay thì nếu ai đó muốn đầu tư xây sân bay ở Việt Nam cũng chẳng biết làm thế nào. Ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai sang Lào đầu tư xây 2 sân bay, nhưng không làm được điều đó ngay tại Việt Nam.

* Ở các nước phát triển, các hãng hàng không giá rẻ đều có sân bay riêng của mình?

- Không phải hãng hàng không giá rẻ nào ở nước ngoài cũng có sân bay riêng, điều đó rất hiếm. Chỉ khi nào một thành phố có hai sân bay (hoặc nhiều hơn) thì mới có thể có sân bay hàng không giá rẻ (ví dụ, sân bay Avalon ở Melbourne, Úc), hoặc sân bay hàng không chung (như sân bay Bankstown tại Sydney, Úc). Ở các sân bay chuyên dụng (cho hàng không giá rẻ hoặc cho hàng không chung), nhà ga, sân đậu, các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được thiết kế sao cho phù hợp, hiệu quả nhất cho các hãng hàng không và hành khách sử dụng sân bay, không phức tạp và tốn kém như ở các cảng hàng không lớn.

* Cảm ơn ông!

Điểm trung chuyển cho các hãng hàng không trong nhóm Jetstar

Trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, JPA cho biết việc nhượng quyền này sẽ tạo điều kiện cho hãng trực tiếp quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, tăng thêm nguồn thu; chủ động sắp xếp khai thác phòng chờ, quầy, mặt bằng… trong nhà ga. 

Cuối cùng JPA cho biết việc được nhượng quyền sẽ khuyến khích các hãng hàng không trong nhóm các hãng hàng không Jetstar  khai thác chuyến bay đi/đến Đà Nẵng góp phần phát triển thúc đẩy du lịch, kinh tế địa phương.

Đại diện JPA cho biết Đà Nẵng là điểm trung chuyển mà hãng có thể kêu gọi các hãng hàng không nằm trong nhóm Jetstar như Jetstar Japan, Jetstar Airways, Jetstar của Singapore, sắp tới là Jetstar Hồng Kông cùng khai thác.

“Khi có sân bay giá rẻ do JPA vận hành, các hãng hàng không trong nhóm Jetstar có thể thực hiện các chuyến bay trong khu vực trung chuyển về Đà Nẵng”, vị này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.