Hàng không giá rẻ Đông Nam Á cất cánh

25/04/2016 11:09 GMT+7

Thị trường hàng không ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai gần, do thỏa thuận 'Bầu trời mở' mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn.

Khảo sát mới của tờ Financial Times về thị trường hàng không Đông Nam Á cho thấy tăng trưởng đáng kể ở hai thị trường VN và Philippines. Tờ báo này nhận định các hãng hàng không giá rẻ ở hai nước đã đáp ứng tốt nhu cầu bay của tầng lớp trung lưu mới nổi.
Theo khảo sát thực hiện trên 3.000 người tại VN, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, số người Việt đi lại bằng máy bay trong khu vực tăng từ 62,3% trong năm 2013 lên 68,2% năm 2015. Mức tăng trưởng tại Philippines là từ 63,5% lên 77%. Tại 3 nước còn lại, lượng khách đi máy bay giảm nhẹ trong 2 năm gần đây.
FT Confidential Research, đơn vị thực hiện khảo sát của Financial Times, dự báo việc đi lại bằng máy bay trong khu vực sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới sau khi thỏa thuận “Bầu trời mở ASEAN” đẩy mạnh cạnh tranh giữa các hãng hàng không và kéo thấp mặt bằng giá vé. Thỏa thuận này cho phép các hãng hàng không của 10 nước thành viên được tự do bay đến bất kỳ thành phố nào trong khu vực.
Theo tờ Financial Times, nhu cầu bay trong khu vực Đông Nam Á khá cao do cách biệt địa lý giữa các thành phố lớn, và các hãng hàng không giá rẻ được ưa chuộng nhờ cung cấp hành trình rẻ nhất và mau chóng nhất. AirAsia, hãng hiện cung cấp chuyến bay đến 100 thành phố tại 22 nước trên thế giới, được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ “Bầu trời mở”. Hãng hiện là thương hiệu bay phổ biến nhất tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, theo khảo sát.
Hãng giá rẻ Cebu-Pacific cũng là lựa chọn hàng đầu của người dân Philippines do có mạng lưới đường bay rộng hơn Hãng hàng không quốc gia Philippines Airlines. Nhiều hãng hàng không trong khu vực cũng đang ráo riết thiết lập đường bay mới để nắm bắt cơ hội.
VN là thị trường lý tưởng
Hạn chế về hạ tầng
Theo tờ Financial Times, tăng trưởng về nhu cầu bay sẽ làm tăng áp lực cho hạ tầng hàng không vốn còn yếu kém tại nhiều nước Đông Nam Á. Sân bay chính tại Philippines là Ninoy Aquino từng bị xếp hạng tệ nhất thế giới do không có đủ chỗ cho máy bay cất và hạ cánh. Nhiều khách hàng tại đây thường xuyên phải chịu cảnh hoãn chuyến do sân bay quá tải. Malaysia và Thái Lan mới đây cũng phải mở rộng các sân bay trong khi chính phủ Indonesia cho biết sẽ xây thêm một đường bay mới tại sân bay ở Jakarta.
Vietjet, hãng hàng không tư nhân duy nhất tại VN, vừa tuyên bố mở đường bay từ TP.HCM đến Kuala Lumpur từ tháng 6 năm nay. Mặc dù thị trường hàng không VN vẫn chịu sự chi phối chủ đạo của nhà nước, tuy nhiên Vietjet đã gặt hái rất nhiều thành công nhờ chính sách vé giá rẻ, theo Financial Times. Hãng đã thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị mạnh sau khi tham gia thị trường vào năm 2011. 25% số người được khảo sát tại VN cho biết Vietjet là lựa chọn đầu tiên cho các hành trình trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của hãng cho thấy lượng khách trong năm 2015 tăng 66% lên 9,3 triệu so với năm trước, doanh thu tăng hơn 3 lần lên 488 triệu USD. Hãng dự báo doanh thu sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm nay và lượng khách đạt mức 15 triệu.
Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của hãng vào quý 2 năm nay dự kiến thu được từ 400 - 500 triệu USD. Hãng này cũng đã lên kế hoạch nhân đôi đội bay lên khoảng 100 chiếc trong vòng 5 năm tới.
Theo Trung tâm phân tích thị trường hàng không CAPA, Vietjet có khả năng sẽ soán ngôi Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không nội địa hàng đầu tại VN, nơi được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự báo sẽ lọt vào nhóm 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 2 thập niên tới.
Với mức tăng trưởng đó, VN sẽ trở thành một thị trường lý tưởng cho hàng không giá rẻ, và Vietjet sẽ trở thành một hình mẫu thu hút đầu tư vào thị trường, Brendan Sobie, chuyên gia nghiên cứu của CAPA tại Singapore, phát biểu với Bloomberg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.