Không dùng tiền mặt để xử lý nợ xấu ngân hàng

04/07/2012 00:47 GMT+7

“Nếu giả sử thành lập doanh nghiệp (DN) giải quyết nợ xấu ngân hàng thì không phải dùng tiền mặt để giải quyết mà là dùng công cụ tài chính để có thể chuyển đổi được trên các thị trường để giải quyết nợ là chính”.

Không dùng tiền mặt để xử lý nợ xấu ngân hàng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.7 - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam khẳng định thông tin trên khi chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối qua, 3.7 tại Hà Nội.

 

Yêu cầu hủy bỏ các quy định đặt ra trái luật

Khi được hỏi quan điểm của Chính phủ về quy định hạn chế nhập cư tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp rà soát các phương án và có báo cáo Thủ tướng. Khi nào Bộ Tư pháp báo cáo, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo cụ thể về từng việc. “Nhưng chắc chắn như đã nói trên, không riêng Đà Nẵng hay riêng vấn đề nhập cư, quy định nào đặt ra trái luật pháp hiện hành, Thủ tướng đều yêu cầu hủy bỏ”, Bộ trưởng Đam nói.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có giải pháp giải quyết nợ xấu, vì ngân hàng không thể cho vay ra nếu không giải quyết được vấn đề này. “Một trong các giải pháp xử lý nợ xấu là có thể nghiên cứu thành lập một DN mua lại nợ xấu, nhưng không có nghĩa NHNN sẽ đợi thành lập DN này xong mới xử lý nợ xấu mà tới đây NHNN có trách nhiệm chỉ đạo các NHTM làm việc cụ thể với các DN, có sự hỗ trợ mức độ cần thiết của cơ quan chính quyền các cấp để xử lý các khoản nợ”, Bộ trưởng cho hay.

Thông tin “việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được NHNN nghiên cứu”, Bộ trưởng đồng thời khẳng định không có chuyện công ty mua bán nợ này cần số vốn 100.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu, đe dọa tái lạm phát.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, đại diện NHNN có mặt tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, hiện tại NHNN đang triển khai nội dung này, nằm trong quá trình thực hiện Quyết định 254 về đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Còn về cách thức, cơ chế, quy mô xử lý nợ xấu thế nào, tại thời điểm này NHNN vẫn đang nghiên cứu. Bà Hồng cho biết thêm đến nay đã cơ bản hoàn thành các phương án xử lý các ngân hàng yếu kém trong 6 tháng đầu năm để trình Thủ tướng quyết định. Có những phương án Thủ tướng đã phê duyệt, một số NHNN đang hoàn thiện khâu cuối cùng để trình.

Tăng giá điện phải đảm bảo minh bạch

 

6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 4,38%

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tăng trưởng kinh tế cả nước đang có tín hiệu khả quan. GDP quý 2/2012 tăng 4,66%, cao hơn quý 1 (tăng 4%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. Tính đến hết tháng 6, CPI tăng 2,52% so với tháng 12.2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ 2011.

Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3.2012 giảm xuống lần lượt là 32,1% và 29,4% trong tháng 4.2012 và tháng 5.2012, đến tháng 6 đã giảm xuống còn 26% so với cùng thời điểm năm trước.

Trả lời báo giới về căn cứ tăng giá điện vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Vừa qua ngành điện tăng giá, chúng tôi rất chia sẻ với các khó khăn của DN và một bộ phận nhân dân, nhưng Chính phủ kêu gọi DN và nhân dân nhìn vào các mục tiêu lớn như vậy để chúng ta cùng nhau nỗ lực. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Công thương rút kinh nghiệm là khi tăng giá mặt hàng ảnh hưởng tới số đông, ngoài việc công khai minh bạch giá, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân và DN có phương án chuẩn bị”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nói thêm: nếu giá điện có tăng 5% thì đối với các ngành, đơn vị, lĩnh vực, các DN sử dụng điện nhiều nhất như hóa chất và luyện kim thì chi phí tiền điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành, như vậy nếu tác động tương ứng cũng chỉ 0,5% tính vào giá thành thôi. Nếu như DN điều chỉnh giờ sử dụng điện, cũng như áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí quản lý, thì sẽ tác động rất nhỏ đến giá thành sản phẩm.

Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý DNNN

Liên quan đến việc Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 132 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết nội dung sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, như ngoài quy định các DNNN sẽ tập trung vào ngành kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm chủ sở hữu trước nhà nước về đồng vốn, về bảo toàn vốn...

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, “sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh của DNNN cũng như trong công tác thực hiện tham gia các khâu theo quy định của Đảng về vấn đề bổ nhiệm cán bộ”.

Khi bàn về đề án tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng cũng đã ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về việc giao một cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Chính phủ thành lập cơ quan thuộc bộ có trách nhiệm quản lý vốn của nhà nước trong các DNNN theo hướng nâng tầm cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ này của Bộ Tài chính. Hướng là làm sao người của cơ quan này nắm sát được DN, tạm gọi là nằm tại DN nhưng ăn lương Bộ Tài chính, theo dõi giám sát tình hình hoạt động của DN.

Bảo Cầm

>> Không lấy tiền của dân để xử lý nợ xấu ngân hàng
>> Nợ xấu ngân hàng khoảng 108,6 nghìn tỉ đồng
>> Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 4: Khó kiểm soát in tiền
>> Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 3: Tại sao lại mua nợ xấu với giá cao?
>> Gánh nợ xấu ngân hàng
>> Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 2: Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước
>> Doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu ngân hàng tăng
>> Khủng hoảng kinh tế làm tăng nợ xấu ngân hàng
>> Dọn nợ xấu ngân hàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.