Ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác khi duy trì ổn định ở mức 39 - 40%, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của kinh tế tư nhân giai đoạn 2003 - 2015 là 10,2%/năm. Cùng với đó, hiệu quả, sức cạnh tranh của khối dân doanh dần được nâng lên, bước đầu hình thành được một số tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cụ thể là ở mức 11,93% của giai đoạn 2003 - 2010 nhưng giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn 7,54%. Ông Bình chỉ ra một trong những nhược điểm của khối này là có đến 97% doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu, khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn yếu. Đáng ngại nữa là tỷ lệ DN tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao với mức bình quân giai đoạn 2007 - 2015 là 45%. Trong khi đó, cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi có đến 81% tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp. Số lượng DN tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo cũng còn rất thấp.
Trong khi đó, theo ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa Hà Nội, đã đến lúc nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những DN tư nhân lớn vươn lên tỏa sáng, dẫn dắt thị trường và dần dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Bình luận (0)