Kỳ vọng bước ngoặt

21/01/2017 07:53 GMT+7

Các đơn vị truyền thông, chuyên gia quốc tế vừa đưa ra các đánh giá cho ngành tài chính VN.

Ngày 20.1, Bloomberg dẫn ý kiến giới chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán VN năm 2017 có thể đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Bước tích cực
Bloomberg tiến hành khảo sát 11 chuyên gia đã cho kết quả dự báo chỉ số VN-Index sẽ cán mức 745 điểm vào cuối năm 2017, hoặc tăng 12% so với cuối năm 2016. Một nhà quản lý một quỹ đầu tư trị giá 730 triệu USD cũng kỳ vọng chỉ số chứng khoán VN năm nay sẽ tăng 10% so với năm trước.
Giải thích cho các dự báo trên, giới chuyên gia nhận định kinh tế VN sắp có nhiều khởi sắc khi chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn ở nhiều công ty tiềm năng như Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines)... Ngày 16.1, tờ Financial Times cũng đăng bài nhận định giới ngân hàng kỳ vọng bước ngoặt mới cho VN từ các diễn biến trên.
Cũng liên quan đến thị trường tài chính VN, Bloomberg ngày 17.1 đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ sớm nâng tỷ lệ sở hữu (nới “room”) cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng VN ngay trong năm nay nhằm thu hút vốn quốc tế. Theo Bloomberg, thông tin trên được giới chuyên gia đánh giá là một bước tích cực trong việc tạo ra nguồn vốn cho ngành tài chính VN cũng như góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Đây cũng là yếu tố được kỳ vọng kích thích nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Bloomberg dẫn lời ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng: “Một trong những yếu tố thúc đẩy chỉ số tài chính là tăng tính thanh khoản, và chìa khóa để tăng thanh khoản là nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài”.
17 ngân hàng hùng mạnh
Cùng ngày 17.1, cây bút Andy Mukherjee, chuyên gia về tình hình tài chính thường bình luận cho Bloomberg và tờ The Strait Times, cũng đăng bài trên Bloomberg để nhận định về ngành ngân hàng VN trong thời gian tới. Trong bài viết, ông đánh giá dù chưa phải là một món hời khủng nhưng với thị trường bất động sản ổn định và mảng cho vay tăng, thì các ngân hàng VN vẫn là “một trong những khu vực hấp dẫn nhất” đối với giới đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, theo cây bút Mukherjee, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ và Indonesia đều đang có động thái siết chặt trở lại mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng nội địa. Vì thế, VN trở thành một “cơ hội hiếm có” cho giới đầu tư. Không những vậy, tăng trưởng kinh tế của VN cũng được đánh giá ổn định, nên càng củng cố niềm tin lớn hơn.
Trước đó, vào đầu tháng này, tạp chí The Asian Banker (TAB) đã công bố bảng tổng kết, đánh giá và xếp loại các ngân hàng mạnh nhất của châu Á - Thái Bình dương năm 2016. Trong nhóm 500 ngân hàng mạnh nhất (Strongest Banks) có 17 ngân hàng thương mại VN. Danh sách của TAB bao gồm tất cả các hình thức sở hữu: Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng cổ phần...
Trong số 17 ngân hàng của VN, ngoài các ngân hàng đình đám như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank... còn có cả Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vốn còn nằm trong nhóm tái cơ cấu cách đây chưa lâu. Chính vì thế, khi được xếp thứ 6 trong số 17 ngân hàng VN nằm trong danh sách trên thì TPBank là minh chứng cho hiệu quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà VN thực hiện.
Tuy nhiên, dù có nhiều khởi sắc thì cả tờ The Asian Banker lẫn Công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s nhận định ngành ngân hàng VN vẫn cần cẩn trọng để phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.