Đó là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính), đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA ngày 22.3 tại Hà Nội.
Ông Long cho biết từ năm 2010, VN đã trở thành nước thu nhập trung bình. Do đó, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay từ các đối tác phát triển dành cho VN đang giảm rõ rệt. Giai đoạn trước 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Nhưng giai đoạn 2011 - 2015, thời gian vay bình quân chỉ còn từ 10 - 20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
“Dự kiến đến tháng 7.2017, VN có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%”, ông Long cho biết. Khoản vay có thời gian dài nhất hiện nay của VN là đến năm 2055. Khi tính toán dòng tiền và từng khoản nợ hiện nay của VN, theo ông Long, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022 - 2025.
Cũng theo thông tin được Bộ Tài chính công bố, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ được tính toán dựa trên kịch bản quản lý nợ, khoản nợ đến hạn và tình hình kinh tế hiện nay. Theo đó, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7% - tương đương trên 150.000 tỉ đồng, còn lại khoản đảo nợ là 95.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)