Làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu

18/03/2016 11:46 GMT+7

Mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, bồ câu giống đã mang lại cho ông Võ Văn Tần (ngụ ấp Phước 3B, xã Vĩnh Phú Đông, H.Phước Long, Bạc Liêu) nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, bồ câu giống đã mang lại cho ông Võ Văn Tần (ngụ ấp Phước 3B, xã Vĩnh Phú Đông, H.Phước Long, Bạc Liêu) nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Lồng nuôi chim bồ câu được ông Tần đặt ở nơi thoáng mát - Ảnh: Trần Thanh PhongLồng nuôi chim bồ câu được ông Tần đặt ở nơi thoáng mát - Ảnh: Trần Thanh Phong
Nuôi bồ câu khoa học
Ông Tần cho biết trước đây, gia đình ông quanh năm sinh sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do diện tích đất trồng lúa ít, dù mỗi năm sản xuất từ 2 - 3 vụ, nhưng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Trong khi đó, nuôi gà vịt thả vườn, vài con heo cũng chỉ là bỏ công làm lời, thu nhập không được bao nhiêu. Năm 2009, tình cờ xem chương trình khuyến nông - khuyến ngư trên tivi, thấy mô hình nuôi chim bồ câu của một nông dân ở Hậu Giang có thể học hỏi được vì loài chim này ít tốn công sóc, chi phí đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao nên ông Tần quyết định mua 5 cặp bồ câu giống về làm lồng nuôi thử.
Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm và không am hiểu kỹ thuật chăm sóc, ông Tần gặp không ít khó khăn. Đàn bồ câu ăn ít, ủ rũ, ốm yếu vì môi trường sống thay đổi, thức ăn không phù hợp. Từ đó, ông miệt mài nghiên cứu kỹ thuật nuôi bồ câu qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi bồ câu trong tỉnh nhằm tìm ra phương pháp nuôi hiệu quả nhất. Sau khi đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, cuối năm 2010, ông Tần áp dụng quy trình nuôi bồ câu một cách khoa học: lồng nuôi bồ câu để ở nơi khô ráo, thoáng mát; cho bồ câu ăn từ 1 - 2 lần/ngày, không cho bồ câu ăn nhiều vì sẽ không tiêu hóa kịp, dễ sinh bệnh... Chỉ một thời gian áp dụng kỹ thuật nuôi mới, đàn bồ câu của ông Tần phát triển tương đối tốt.
Mở rộng mô hình
Thấy nuôi chim bồ câu bước đầu khả quan, ông Tần quyết định gom tiền đầu tư mở rộng diện tích, đồng thời kết hợp nuôi chim bồ câu giống. Ông dành khoảnh đất sau nhà rộng hàng trăm mét vuông để làm thêm lồng nuôi chim. Các lồng này được làm khá đơn giản, thân lồng bằng gỗ tạp, xung quanh được bao bằng lưới B40. Mỗi lồng rộng từ 5 - 10 m2, được chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn thả nuôi từ 1 - 2 con chim bồ câu. Ngoài nuôi bồ câu ta, ông Tần còn gây nuôi nhiều giống bồ câu khác như bồ câu Nhật, bồ câu Pháp…
Nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu của ông Tần (bìa phải) - Ảnh: Trần Thanh Phong
Nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu của ông Tần (bìa phải) - Ảnh: Trần Thanh Phong
Theo ông Tần, bồ câu rất dễ nuôi, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, còn nguồn thức ăn chủ yếu là lúa, gạo. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, nuôi 6 tháng là chúng bắt đầu sinh sản, mỗi cặp bồ câu có thể đẻ 7 - 8 lứa/năm. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, lấy lá khô hay rơm rạ để làm ổ cho chim non trú ngụ.
Với mô hình nuôi bồ câu giống, bồ câu thương phẩm, mỗi tháng ông Tần thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi chim bồ câu của ông Tần mang lại nguồn thu cao, dễ áp dụng, bà con các tỉnh lân cận đã tìm đến tận nhà ông để học hỏi kinh nghiệm. “Ai tới hỏi tôi đều chỉ tỉ mỉ từng chi tiết từ khâu chọn con giống, cách làm chuồng đến kỹ thuật nuôi... Chủ yếu là giúp bà con áp dụng mô hình này hiệu quả, nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống”, ông Tần cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.