Liên kết làm giàu: Nông dân liên kết... tạo hình bưởi

07/09/2015 06:11 GMT+7

Từ khi liên kết cùng nhau rồi hợp tác với doanh nghiệp, nhiều nông dân trồng bưởi tạo hình ở miền Tây phất lên thấy rõ.

Từ khi liên kết cùng nhau rồi hợp tác với doanh nghiệp, nhiều nông dân trồng bưởi tạo hình ở miền Tây phất lên thấy rõ.
Ông Nguyễn Trung Thành và sản phẩm bưởi bàn tay Phật - Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Trung Thành và sản phẩm bưởi bàn tay Phật - Ảnh: Đ.T
Ông nông dân Nguyễn Trung Thành không xa lạ gì với người dân miền Tây bởi ông là “cha đẻ” của bưởi tạo hình hồ lô, một sản phẩm độc đáo “biến tấu” từ bưởi Năm Roi nổi tiếng. Những trái bưởi tạo hình hồ lô, hồ lô tài lộc, phúc lộc thọ, thỏi vàng... của ông Thành luôn “đắt như tôm tươi” trong những dịp Tết Nguyên đán. Hiện ông là Chủ nhiệm CLB sản xuất trái cây tạo hình xã Phú Tân, H.Châu Thành (Hậu Giang).
Không hộ nào thu lời dưới 200 triệu đồng/năm
Theo lời ông Thành, từ năm 2008, bưởi hồ lô đã được ông tạo hình nhưng “trầy trật” mất 3 năm, thí điểm làm khuôn bằng nhiều loại vật liệu ông mới có được những trái bưởi ưng ý đầu tiên vào dịp tết năm 2010. Đến năm 2011, tỷ lệ thành công đạt 80%. Nhận thấy mỗi năm nhu cầu bưởi tạo hình đều tăng, ông Thành đứng ra kêu gọi nông dân trong xã Phú Tân liên kết sản xuất.
Năm 2012, CLB khuyến nông Phú Trí A (nay là CLB sản xuất trái cây tạo hình) ra đời với 26 hội viên, chuyên sản xuất bưởi hồ lô. Ông Thành nói: “Từ khi có câu lạc bộ, doanh nghiệp, thương lái muốn mua thì xuống đàm phán trực tiếp với tụi tôi và bưởi sản xuất ra không kịp để bán. Đến nay, kinh tế gia đình nhiều hộ đã phất lên nhờ sản xuất bưởi hồ lô. Hiện tại không thành viên nào của câu lạc bộ thu lời dưới 200 triệu đồng/năm”. Cá nhân ông Thành dù chỉ có 3 công bưởi tạo hình nhưng mỗi năm ông đều lời 350 triệu đồng.
Sau thành công ở Hậu Giang, ông Thành đã tiếp tục gầy dựng liên kết sản xuất với hàng trăm nhà vườn khác với diện tích trên 52 ha trải đều ở 4 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Ông Bùi Chí Linh, ở xã Ninh Thới, H.Cầu Kè (Trà Vinh), từ khi hợp tác với ông Thành đã “phất” nhanh thấy rõ. Ông kể: “Tôi có 5 công bưởi, trước đây trồng thương phẩm chỉ đạt 150 triệu đồng/năm. Còn năm ngoái tôi làm được 1.000 trái bưởi tạo hình, thu lời khoảng 400 triệu đồng. Cuộc sống dễ thở hơn hẳn”.
Tìm đường xuất ngoại
Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 là một dấu mốc rất quan trọng của nông dân trồng bưởi tạo hình ở miền Tây. CLB do ông Thành đứng đầu đã ký kết với Công ty CP đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Nguyễn Gia (Công ty Nguyễn Gia, ở Hà Nội) để sản xuất một sản phẩm mới rất độc đáo là bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi lễ Cát Tường). Sản phẩm do Công ty Nguyễn Gia cung cấp khuôn và được ông Thành tạo dáng thí điểm từ năm 2011, nhưng phải đến giữa tháng 11.2014, lô hàng đầu tiên trên 30 trái mới ra mắt thị trường Hà Nội.
Điều đáng mừng là với sản phẩm này, nông dân có thể tạo hình cả 3 vụ trong năm vì Công ty Nguyễn Gia hợp đồng bao tiêu quanh năm. Ông Huỳnh Phước Giòn, ngụ xã Phú Tân, chia sẻ: “Cái lợi là giá cả luôn ổn định, bình quân 60.000 - 70.000 đồng/trái, trong khi bưởi thường chỉ khoảng 15.000 đồng/trái. Hơn nữa nhà vườn chỉ bỏ công ra làm còn các khâu khác công ty đầu tư”.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Công ty Nguyễn Gia, tiết lộ sản phẩm bưởi tạo hình bàn tay Phật của công ty liên kết với nông dân miền Tây đã được đăng ký bản quyền ở VN và nhiều nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... “Chúng tôi đang tích cực tìm hướng để xuất khẩu, nhất là xuất sang các nước đạo Phật luôn có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên để xuất khẩu bền vững, chúng tôi cũng phải xem xét lại mối gắn kết với nông dân sao cho chặt chẽ và hài hòa lợi ích hơn. Sau đó sẽ mở rộng thêm vùng sản xuất, cung ứng sản phẩm xuất khẩu”, ông Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.