Lỡ kế hoạch thoái vốn ngoài ngành

05/11/2015 05:50 GMT+7

Theo kế hoạch năm 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư với số vốn trên 25.000 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2014 tới hết tháng 8 vừa rồi, các đơn vị mới chỉ thoái được hơn 8.000 tỉ đồng.

Theo kế hoạch năm 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực gồm chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư với số vốn trên 25.000 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2014 tới hết tháng 8 vừa rồi, các đơn vị mới chỉ thoái được hơn 8.000 tỉ đồng.

Gần 2 năm mới thoái vốn được 8.000 tỉ đồng, liệu có thể hoàn tất việc thoái 17.000 tỉ đồng còn lại trong 2 tháng cuối năm? - Ảnh: Hồng SươngGần 2 năm mới thoái vốn được 8.000 tỉ đồng, liệu có thể hoàn tất việc thoái 17.000 tỉ đồng còn lại trong 2 tháng cuối năm? - Ảnh: Hồng Sương
Để đạt kế hoạch, trong 2 tháng cuối cùng của năm nay, số vốn cần phải thoái lên đến 17.000 tỉ đồng. Đây là nhiệm vụ bất khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Thoái 17.000 tỉ đồng trong 2 tháng
Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) vừa ra thông báo sẽ thực hiện phiên đấu giá cổ phần (CP) lần 2 của các doanh nghiệp (DN) mà đơn vị này đang nắm giữ vào cuối tháng 11. Trước đó, Satra tổ chức đợt đấu giá lần 1 nhưng không thành công. Trong đợt đấu giá CP sắp tới, Satra thực hiện giảm giá khởi điểm 10% so với phiên đấu giá lần 1. Cụ thể, 300.000 CP của Công ty CP thực phẩm công nghệ Sài Gòn giảm từ 18.000 đồng/CP xuống còn 16.200 đồng/CP; hơn 4 triệu CP của Công ty CP địa ốc Satra Exim được giảm từ mức 10.000 đồng/CP xuống còn 9.000 đồng/CP; hơn 4,41 triệu CP của Công ty CP bao bì Sài Gòn, tương đương 51,964% vốn cổ phần của công ty, giảm từ 17.000 đồng/CP xuống 15.390 đồng/CP... Theo kế hoạch, Satra thực hiện thoái vốn tại 22 DN theo 2 đợt, mỗi đợt thoái 11 DN. Trong đợt thoái vốn lần 1, Satra chỉ mới thực hiện được ở 4 DN, nhưng 1 DN cũng chưa bán hết lượng CP Satra đang nắm. Cứ đà này, lần đấu giá cuối cũng chưa có gì đảm bảo thành công.

Nhiều DN ở tỉnh, địa lý xa xôi, không có báo cáo tài chính, ai là người điều hành... là một thách thức đối với nhà đầu tư nếu họ muốn bỏ tiền vào

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC
 
Thời điểm tháng 3, Tổng công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) từng chào bán 25,6 triệu cổ phiếu Eximbank (chiếm tỷ lệ 2%) nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Sau nhờ môi giới trực tiếp nên SJC đã bán được khoản đầu tư ở ngân hàng này. Cuối tháng 10 qua, SJC cũng đấu giá thành công 900.000 CP tại Công ty CP bảo hiểm Hùng Vương, thu về 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, từng nắm giữ CP ở nhiều công ty, SJC cũng đang đẩy mạnh thoái vốn từ mấy tháng nay. Khi được hỏi tiến trình thoái vốn, ông Đỗ Công Chính, Chủ tịch HĐTV SJC, chỉ than “khó lắm” và không cho biết gì thêm.
Thị trường cả năm nay cấp tập các phiên chào bán CP thoái vốn ngoài ngành của các DN nhà nước (NN), nhưng không có nhiều đơn vị về đích đúng hẹn. Tập đoàn điện lực VN (EVN) vừa bán được một nửa trong tổng số 81,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng An Bình, thu về hơn 400 tỉ đồng, nhưng phải hủy phiên đấu giá 11,48 triệu cổ phiếu Công ty chứng khoán An Bình hồi đầu tháng 6 vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đang đang tiến hành thoái vốn như Viettel còn phải thoái vốn tại 3 công ty CP nữa là EVN Quốc tế; Công nghiệp cao su Coecco và Công ty tài chính CP Vinaconex - Viettel. MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại TPbank và SeAbank... Thế nhưng, việc thoái vốn diễn ra rất ì ạch. Tính đến tháng 8 vừa qua, số vốn được thoái mới chỉ đạt hơn 8.000 tỉ đồng, bằng 1/3 tổng vốn cần thoái trong khi chặng đường còn lại theo kế hoạch là rất ngắn.
Sợ trách nhiệm nên đưa giá cao
Cũng là DNNN nhưng tin SCIC bán vốn tại Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), cùng thông tin nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tăng tỷ lệ nắm giữ ở đơn vị này đã làm cho giá cổ phiếu “con bò sữa” tăng gần 20% trong 22 ngày qua. Sở hữu của NN tại Vinamilk ước tính khoảng 3 tỉ USD, là một con số khổng lồ so với tài sản của nhiều tập đoàn trong nước, nhưng rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngoài việc làm ăn hiệu quả, lợi nhuận cao thì do đây là công ty niêm yết nên thông tin về Vinamilk minh bạch, rõ ràng trong khi nhiều DNNN thoái vốn nhà đầu tư không biết “mặt mũi ra sao”. “Nhiều DN ở tỉnh, địa lý xa xôi, không có báo cáo tài chính, ai là người điều hành... là một thách thức đối với nhà đầu tư nếu họ muốn bỏ tiền vào”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright (FEPT), cho rằng việc thoái vốn ngoài ngành không được hay chậm trễ, rào cản chính không phải ở thị trường. Trong năm 2014 - 2015, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã có sự quan tâm trở lại, thể hiện ở thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng lên. Trong khi đó, cơ sở pháp lý cũng đã mở đường cho các cuộc thoái vốn, Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép các DNNN thoái vốn dưới mệnh giá. Tuy nhiên, các DNNN vẫn “thích” chào bán CP với giá khởi điểm từ 10.000 đồng trở lên, trong khi giá giao dịch ngoài thị trường chỉ quanh quẩn giá ngang một bó rau muống hay ly trà đá. “Khoản đầu tư chỉ được quan tâm khi có một mức giá hợp lý. Đa số các khoản đầu tư ngoài ngành ngay từ đầu đã không hiệu quả, và nếu bán nhanh mà bán dưới mệnh giá, tính không hiệu quả của khoản đầu tư sẽ được hiện thực hóa và xác định rõ ràng trên sổ sách. Bán dưới giá trị sổ sách ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thua lỗ?”, ông Nguyễn Xuân Thành đặt vấn đề.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng, vì nhiều lý do, việc thoái vốn đã kéo dài 1 - 2 năm qua mà vẫn ì ạch sẽ càng khó hoàn thành khi chỉ còn 2 tháng cuối năm. Vì vậy, lộ trình thoái vốn cần được điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, các thủ tục, đặc biệt thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, cần được thông thoáng hơn. Đối với những DN rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, cần vực dậy những DN này để có thể thực hiện thoái vốn.
Tốn kém do nhiều lần thoái vốn không thành
Phó giám đốc kế hoạch đầu tư tài chính của một DNNN cho rằng những cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường chứng khoán dễ thực hiện thoái vốn hơn là những cổ phiếu chưa niêm yết. Trên sàn, có những cổ phiếu mà nhà đầu tư chấp nhận giao dịch dưới giá trị sổ sách, trong khi CP của DNNN bán dưới mệnh giá phải được thẩm định giá trước khi đưa ra mức giá. Vị này ngao ngán cho hay: “Tổ chức đấu giá thoái vốn nhiều lần, chúng tôi vừa tốn kém về thời gian cũng như tiền bạc. Chi phí cho một buổi đấu giá chiếm 3% tổng giá trị vốn thoái, thấp nhất là 20 triệu đồng và tối đa 300 triệu đồng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.