Số vốn FDI giảm song tỷ lệ giải ngân lại tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã có sự chuyển biến tích cực trong chính sách thu hút FDI, tuy nhiên, cần có đột phá trong cải cách, mới thay đổi được lượng vốn FDI trong tương lai gần.
Số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy trong tháng 11 vừa qua, vốn FDI cam kết chỉ đạt 490 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp trong năm nguồn vốn FDI sụt giảm. Trong bối cảnh chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2016, việc thu hút vốn FDI rất khó có sự tăng đột biến.
Bỏ các dự án ô nhiễm môi trường
Có hai nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhắc đến về hiện tượng FDI sụt giảm, đó là ảnh hưởng từ quá trình các nhà đầu tư phải “nghi binh, chờ đợi, nghe ngóng” tình hình trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Nguyên nhân thứ hai đến từ chính sách “lọc” các dự án đầu tư FDI có liên quan đến môi trường của phía VN. Chuyên gia kinh tế, đại diện Ban Quản lý Hepza, cho rằng tại TP.HCM, FDI sụt giảm là bởi định hướng năm 2016 của thành phố là thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực. “TP.HCM chủ trương không thu hút bằng mọi giá, dù luôn tạo điều kiện nhưng chúng tôi vẫn đồng thời cũng có sự chọn lọc nhà đầu tư”, chuyên gia này cho biết.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc VN không có TPP lúc này cũng chưa đến nỗi gây sụt giảm ghê gớm về thu hút FDI. Nguyên nhân quan trọng có thể từ chính sách “siết” hoặc không dám cởi mở của các địa phương liên quan đến các dự án FDI có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. “Tổng kết 6 tháng đầu năm, FDI vào VN tăng đến 89% về vốn. Vì thế có thể nói sự cố môi trường biển nghiêm trọng của Formosa gây ra ở khu vực miền Trung là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm FDI này. Sự thận trọng của các địa phương là cần thiết và đặc biệt, đã có nhiều địa phương lên tiếng khẳng định họ không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa. Đó là tín hiệu tích cực. Từ đây cũng có thể nói, FDI sụt giảm phần nào từ tư duy thu hút FDI của chúng ta đã có thay đổi”, GS Nguyễn Mại phân tích.
Ảnh hưởng từ trì hoãn TPP
|
|
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), bổ sung thêm: Điểm tích cực là 74% lượng vốn FDI đổ vào khu vực sản xuất và chế biến, những lĩnh vực có năng suất cao và tạo ra sản phẩm thực cho nền kinh tế. Việc vốn FDI tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng liên tục vừa qua, theo TS Thành, là có tác động khá lớn từ tình trạng bị “treo” lại của TPP. Bởi một phần vốn FDI chảy mạnh vào VN trong 2 năm qua là do nhà đầu tư nước ngoài đón đầu làn sóng TPP trong tương lai. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, và mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho VN. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc gia tăng đầu tư vào thị trường nội địa. “Như vậy, đa số doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đón đầu TPP mới là lý do chính vốn FDI tăng, chứ không phải do cải thiện môi trường kinh doanh, đây mới là điều đáng lo ngại”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng có cùng quan điểm này. Cụ thể, TPP đang trong trạng thái bị đe dọa đang “đánh tan niềm hy vọng” của các nhà đầu tư. Dự báo trong tương lai, khả năng nguồn vốn FDI sẽ bị chững lại lâu hơn, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh của VN. TS Thành nhận định FDI của VN cũng chưa thật sự hiệu quả hoàn toàn. Bởi hiệu quả có thể thể hiện qua việc FDI phải lan tỏa, tuyển thêm lao động, chuyển giao công nghệ và làm tăng thêm ngân sách. Còn hiện nay, chúng ta giữ được FDI vì ưu đãi cho các DN FDI. Đây là cách thu hút vốn ngoại không lâu bền.
Muốn đột phá, phải cải cách môi trường
Ở một góc nhìn khác TS Thành nhận định: “Vốn FDI là chỉ số quan trọng cho thấy sức hút của thị trường, dòng vốn này suy giảm đồng nghĩa với môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Cần phải có cải cách mạnh mẽ và quyết liệt về môi trường đầu tư hơn nữa để giữ được tăng trưởng vốn FDI”.
GS Nguyễn Mại thì nhận xét: “Chúng ta từng có niềm tự hào thu hút FDI tốt bởi nhân công giá rẻ, nhưng điều đó nay cũng xưa rồi. Một số nước trong khu vực cũng đã kịp cạnh tranh tốt về giá nhân công và năng suất lao động, thế nên không nên coi đó là điểm mạnh của chúng ta nữa. Theo tôi, một mặt biết lọc những dự án đầu tư mới gây ảnh hưởng đến môi trường, mặt khác, chúng ta cần mở cửa một cách có tính toán cho các dự án năng lượng sạch, nhà đầu tư lớn tại các quốc gia có uy tín”.
Cả hai chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hơn nữa từ Chính phủ, mới có sự tăng “đột biến” về FDI trong tương lai.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng qua: Dự án LG Display Hải Phòng có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỉ USD của LG Display (Hàn Quốc); dự án Thành phố Amata Long Thành có tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD của nhà đầu tư Thái Lan; dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD của LG Innotek Co. đến từ Hàn Quốc; dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD của Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC (quần đảo Cayman).
|
Bình luận (0)