Lữ hành ngoại lách luật

08/12/2014 09:10 GMT+7

Dù bị cấm nhưng các công ty lữ hành liên doanh, văn phòng đại diện nước ngoài tại VN vẫn lách luật tổ chức đưa khách trong nước ra nước ngoài.

Khách VN du lịch Hàn Quốc ngày càng đông
Khách VN du lịch Hàn Quốc ngày càng đông - Ảnh: N.T.Tâm

“Đội lốt” bán tour

Hỏi mua tour Hàn Quốc, chúng tôi được nhân viên văn phòng đại diện (VPĐD) Công ty du lịch HanaTour (Hàn Quốc) ở TP.HCM tiếp thị: “Anh có thể đăng ký mua tour ở bất kỳ công ty du lịch nào cũng được, cứ nói là đi tour của HanaTour”. Theo hướng dẫn của nhân viên này, khách đóng tiền và làm hợp đồng với công ty du lịch VN làm “đại lý” cho HanaTour. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua tour của Global Tour, một công ty được giới thiệu là đối tác độc quyền của HanaTour tại VN và nằm chung văn phòng với HanaTour tại TP.HCM, thì nhân viên này ngay lập tức trả lời: Global Tour là tên của HanaTour ở VN.

Nhân viên HanaTour cũng khẳng định đã thực hiện được nhiều đoàn khách VN tham quan Hàn Quốc theo cách công ty VN gom khách, HanaTour tổ chức, với “chính sách hoa hồng cho tất cả các tour từ tháng 11 như sau: 8% trên tổng giá tour; 9% trên tổng giá tour đối với nhóm từ 10 khách trở lên khởi hành cùng 1 ngày”. Như vậy, dù không được phép, nhưng VPĐD HanaTour tại VN vẫn kinh doanh bằng cách gom khách và chi hoa hồng cho những công ty làm “đại lý”.

Không chỉ thế, trên website của VPĐD HanaTour đưa hàng loạt chương trình du lịch chi tiết, có cả giá tour. Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khẳng định như vậy là vi phạm, vì các VPĐD chỉ được quảng bá điểm đến, không được quảng cáo tour.

Nguy cơ mất thị trường khách Nhật, Hàn

Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế, Tổng cục Du lịch triển khai thí điểm cho phép liên doanh lữ hành quốc tế đưa khách trong nước ra nước ngoài (outbound), trong đó có Công ty H.I.S Sông Hàn VN, một liên doanh với Nhật. Nhưng từ năm 2011, các doanh nghiệp nước ngoài phải chấm dứt nghiệp vụ này. Tuy nhiên, H.I.S vẫn tiếp tục làm và sau đó, tháng 12.2013 công ty còn đề nghị Sở KH-ĐT Hà Nội điều chỉnh giấy phép đầu tư để làm outbound nhưng Tổng cục Du lịch đã bác bỏ yêu cầu này vì không đúng luật.

Năm 2014, trên thị trường xuất hiện một công ty khác là Sông Hàn. Trong vai một du khách mua tour, chúng tôi đến văn phòng của Công ty H.I.S ở TP.HCM, sau khi biết tôi quan tâm đến du lịch Nhật Bản, một cô người Nhật mặc áo có logo của H.I.S cử nhân viên của Sông Hàn (cùng làm việc ở trụ sở của H.I.S và mặc áo của H.I.S) tư vấn tour.

Một trường hợp tương tự, công ty liên doanh lữ hành giữa Nhật và VN là Apex, sau thời gian khai thác inbound đã xuất hiện Công ty Samurai chuyên đưa khách Việt đi nước ngoài, cụ thể là Nhật. Ở mục giới thiệu công ty, để chứng minh hai công ty này có quan hệ “như một”, người ta không quên mở ngoặc sau tên Samurai là Apex.

Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê cho rằng, nhiều năm qua, các công ty du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm gần như “trọn gói” việc đưa khách của họ vào VN. Các công ty du lịch trong nước không tiếp cận được thị trường khách Hàn, khách Nhật. Nhưng giờ đây, các công ty này lại muốn làm cả thị trường outbound, đưa khách Việt qua Nhật, Hàn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, nhìn nhận, tình trạng công ty nước ngoài khai thác du lịch ở VN dưới danh nghĩa một công ty VN, nhưng thực chất đều do người nước ngoài điều hành, là rất phổ biến. “Tôi không nghĩ rằng cơ quan quản lý nhà nước không biết chuyện này. Vấn đề là họ quản lý lỏng lẻo và yếu kém. Các công ty du lịch VN tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng, hay chấp nhận phận làm “đại lý” đã không ý thức được tác hại lâu dài. Nó có thể khiến cả ngành du lịch thất thế trong cạnh tranh, ngày càng què quặt, không phát triển được”, ông Mỹ bức xúc.

Không quốc gia nào cho phép nước ngoài làm outbound

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chủ doanh nghiệp du lịch ở VN khẳng định không một quốc gia nào trên thế giới cho phép công ty nước ngoài đưa khách trong nước đi du lịch ngoài nước. Không chỉ bảo hộ để doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường khách của nước mình, mà còn các vấn đề nhạy cảm khác liên quan đến con người, như bảo vệ tính mạng du khách trong nước khi ra nước ngoài. Các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... lẫn các quốc gia có du lịch kém phát triển hơn như Lào, Campuchia... đều không cho nước ngoài làm outbound.

N.Trần Tâm

>> Lộn xộn bán tour du lịch trên mạng
>> Tước giấy phép công ty lữ hành bỏ rơi khách
>> Nở rộ lữ hành "chui 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.