Lừa kiểu Ponzi bằng huy động siêu lãi

18/05/2015 08:38 GMT+7

Dưới hình thức huy động vốn nhàn rỗi đầu tư vào những dự án nước ngoài, một số công ty đang rao trả mức 'siêu lãi' lên tới 10%/tháng. Theo các chuyên gia tài chính, đây là trò lừa đảo có tên gọi Ponzi.

Dưới hình thức huy động vốn nhàn rỗi đầu tư vào những dự án nước ngoài, một số công ty đang rao trả mức "siêu lãi" lên tới 10%/tháng. Theo các chuyên gia tài chính, đây là trò lừa đảo có tên gọi Ponzi.
Minh họa: DAD
Minh họa: DAD
Sau khi tự giới thiệu là nhân viên Tập đoàn Trest Global Green (TGG) có trụ sở chính ở Hồng Kông, còn tại VN có văn phòng ở Hà Nội và TP.HCM (968 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM), Bình nói với chúng tôi: “TGG là công ty hoạt động trong lĩnh vực cải thiện môi trường, nghiên cứu ra công nghệ độc quyền tái chế những lốp xe đã sử dụng tạo ra những sản phẩm cacbon đen (làm đường băng, đế giày...), xăng dầu sinh học, sắt sợi. Hiện nay TGG đang vận hành nhà máy ở Malaysia, năm 2014 đã khởi công nhà máy ở Trung Quốc, năm 2015 sẽ khởi công nhà máy ở Indonesia, năm 2016 ở Thái Lan, Ấn Độ, tại Bình Dương của VN và 2017 ở Philippines. Chính vì vậy TGG đang cần nhiều vốn để đầu tư các nhà máy này. TGG đang có mặt tại 15 quốc gia và TGG vào VN từ cuối năm 2014”.
Lãi 2%/ngày, "siêu hoa hồng" từ 7 - 10%
Giới thiệu tập đoàn “hoành tráng” như vậy nhưng gói đầu tư mà TGG kêu gọi thì hết sức khiêm tốn và bất cứ ai cũng có thể trở thành cổ đông của tập đoàn này.
Cụ thể, Bình giới thiệu: Dự án có 6 gói kêu gọi với nguồn tiền đầu tư là 50 USD, 500 USD, 1.000 USD, 3.000 USD, 5.000 USD và 10.000 USD. Tùy theo từng gói mà số tiền nhận cả gốc và lãi là 1,5% đến 3%/ngày. Từ gói 3.000 USD trở lên, số tiền nhận hằng ngày là 3%. Một chu kỳ đầu tư là 100 ngày, không kể ngày thứ bảy và chủ nhật (nên tính ra khoảng 5 tháng). Đa số người đã tham gia thường đầu tư từ gói 3.000 USD trở lên vì nó có mức sinh lời cao hơn, thu hồi vốn nhanh hơn. Ví dụ đầu tư gói 10.000 USD, mỗi ngày nhận 3% thì 100 ngày sẽ có 30.000 USD (lãi 2%/ngày).
Nhưng mức siêu lãi, siêu lợi trên chỉ là bước đầu. Phần thu nhập "động" sau đó còn khủng hơn. Theo Bình, TGG là công ty ủy thác, dùng mô hình của Netword để huy động vốn đầu tư nhanh hơn nên nếu giới thiệu được thêm người tham gia, nhà đầu tư sẽ được nhận trực tiếp khoản "siêu hoa hồng" từ 7 - 10%.
Tự giới thiệu là Giám đốc Công ty L.P phối hợp với TGG tại VN, một người đàn ông tên Triển hối chúng tôi: “Tham gia đi, kiếm tiền qua kênh này mê lắm. Tôi đã qua một chu kỳ đầu tư và nhận về mười mấy ngàn USD. Ngoài ra, những người mình giới thiệu tham gia giới thiệu lại cho những người khác thì mình sẽ được hưởng hoa hồng nhóm 10%. Nên em tham gia càng sớm thì sẽ được ở phía top trên, lúc này chỉ cần ngồi không cũng có tiền. Sống rất khỏe”.
Chị L. và anh N. đang tìm hiểu đầu tư vào kênh, băn khoăn: “Hỏi có ký hợp đồng không thì họ nói không, nộp tiền vào công ty thì sẽ được cho mã khách hàng và mật khẩu để vào theo dõi tiền về. Lỡ như họ không trả tiền lại cho mình thì mình biết kêu ai!”.
Ông Triển trả lời xanh rờn: “Đã đầu tư thì phải có lòng tin. Mất số tiền chỉ 200 triệu đồng thì tôi nghĩ không ai lại đi tự tử. Dự án này hợp với lòng người nên không những cá nhân mà cả doanh nghiệp tham gia hàng trăm ngàn USD. Nó hay ở chỗ mỗi ngày ai cũng thấy tiền về tài khoản. Ngửi thấy mùi tiền, ai lại không ham?”.
Với kiểu Ponzi, trước sau gì kẻ chủ mưu cũng chạy trốn cùng với số tiền của những người tham gia. Người dân cần cẩn thận với hình thức này
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh
Chủ đầu tư sẽ bỏ trốn
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét, đây không phải hình thức ủy thác đầu tư bình thường mà nó mang dáng dấp hình thức Ponzi. Đây là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra dự án (ảo) cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo về những người đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại giới thiệu những người cho vay mới hơn. Nên kẻ đi vay càng ngày càng huy động được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới. Tuy nhiên, trò Ponzi không thể kéo dài vì người cho vay không nhiều và rồi thông tin về kẻ chơi trò Ponzi sẽ dần bị lộ. Kết cục của trò này là kẻ chủ mưu sẽ đào tẩu, để lại nhiều người cho vay bị mất tiền.
Trên thế giới đã có nhiều vụ Ponzi diễn ra với quy mô lớn như trong vụ Charles Ponzi năm 1919 đưa ra lãi suất 50% trong vòng 90 ngày (thời điểm đó tiền lãi gửi ngân hàng 5%), khi vụ lừa đảo bị phanh phui đã kéo theo 6 ngân hàng phá sản, nhà đầu tư mất 20 triệu USD. Năm 2008, vụ Bernard Madoff cũng với thủ đoạn trên nhưng quy mô lên đến 65 tỉ USD, số nạn nhân trực tiếp và gián tiếp lên đến 3 triệu người...
Một chuyên gia phân tích, hình thức kinh doanh này thực chất là "mỡ nó rán nó”. Số tiền của những gói tham gia sau trả cho gói tham gia trước. Khi tham gia, nhà đầu tư sẽ phải đưa ra một số tiền lớn, ví dụ là 10.000 USD, nhưng số nhận vào tài khoản hằng ngày là tiền lẻ, chỉ vài chục USD, cũng chẳng khác nào “mỗi ngày mình tự ăn thịt của mình”, tiền đóng lần sau nuôi lần trước. Nhưng đến khi có được món gốc lớn, chủ đầu tư ôm bỏ trốn, thế là mất sạch.
"Với mức chi hoa hồng môi giới 10%, đến người thứ 10 thì tiền đâu mà chi? Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải rủi ro về cách tính tỷ giá. Khi nhà đầu tư đóng tiền, tỷ giá được công ty tính là 21.500 đồng/USD nhưng khi nhận tiền chỉ còn 17.500 đồng/USD và nếu bán lại khoản đầu tư thì tỷ giá chỉ còn 10.000 đồng/USD", ông Minh vạch rõ.
Về chênh lệch cách tính tỷ giá khi đầu tư và khi rút tiền, nhân viên TGG giải thích mức chênh lệch tỷ giá 4.000 đồng/USD, tương đương 18% (21.500 đồng - 17.500 đồng) là chi phí để... chuyển tiền ra vào VN, đóng thuế...
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, không có một ngành nghề kinh doanh nào mà tiền lãi bằng tiền gốc bỏ ra chỉ trong vòng mấy tháng. Về tính pháp lý, những công ty huy động tiền của dân là những công ty kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Nếu không, những công ty này hoạt động ngoài pháp luật, mà như vậy là một rủi ro lớn cho những người bỏ tiền vào tham gia. Hơn nữa, đầu tư vào một dự án mà ở đâu không rõ, công ty không có báo cáo hoạt động kinh doanh thì quá rủi ro. Việc đầu tư chỉ dựa trên tín nhiệm mà không có cơ sở như hợp đồng, chứng từ... thì sau này có trục trặc gì sẽ không thể đòi được tiền cũng như không thể nhờ pháp luật can thiệp.
Ông Huỳnh Trung Minh cảnh báo: “Với kiểu Ponzi, trước sau gì kẻ chủ mưu cũng chạy trốn cùng với số tiền của những người tham gia. Người dân cần cẩn thận với hình thức này”.
Hoạt động vi phạm pháp luật
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (NHNN) cho biết: “Việc huy động tiền của người dân trả lãi suất là hoạt động có điều kiện, phải có giấy phép của NHNN mới được thực hiện. Đối với các công ty muốn đầu tư ra nước ngoài cũng phải thực hiện các thủ tục đầu tư và có giấy phép của cơ quan kế hoạch đầu tư, có giấy phép chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài của NHNN. Công ty TGG không có những giấy phép trên là hoạt động vi phạm pháp luật. Quy định pháp luật không chấp nhận những hình thức hoạt động theo kiểu Ponzi, với kiểu hoạt động như TGG, người dân sẽ gặp nhiều rủi ro, do đó không nên tham gia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.