Máy tàu vỏ thép 'dỏm' chênh lệch máy chính hãng 400 - 550 triệu đồng

25/06/2017 07:00 GMT+7

Chiều 24.6, đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết trong tuần tới, đơn vị này sẽ cử đại diện vào Bình Định làm việc với các chủ tàu, Sở NN-PTNT tỉnh để thống nhất phương án sửa chữa các tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Thay 11 máy mới
Hiện có 5 tàu vỏ thép đã được các chủ tàu tự đưa vào Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) để sửa chữa. Tại đây, các chủ tàu đã thuê nhân công tiến hành nạo sơn cũ, phun cát, sơn lại tàu, cải tạo hầm bảo quản… “Công ty TNHH MTV Nam Triệu để chúng tôi tự lựa chọn loại sơn tốt nhất để sơn lại tàu, sau đó họ trả lại tiền. Họ cũng hứa sẽ lắp lại máy thủy Mitsubishi chính hãng cho chúng tôi”, ông Nguyễn Công Đồng (xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 99047 TS, cho biết.
Ông Ngô Lê Hát (xã Cát Khánh, H.Phù Cát), chủ tàu BĐ 99168 TS, cũng đưa tàu vỏ thép của mình ra Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan chờ sửa chữa. “Tàu của tôi không nằm trong số các tàu được thay máy mới nhưng Công ty Nam Triệu phải có trách nhiệm sửa chữa các thiết bị hàng hải, thiết bị đánh bắt để tôi ra khơi. Do hiện công ty chưa nói gì về tàu vỏ thép của tôi cả nên đành phải chờ”, ông Hát nói.
Theo đại tá Đặng Ngọc Oanh, ngày 23.6, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã ký hợp đồng với Công ty TNHH đầu tư - thương mại Tân Trung Thịnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), một trong hai đại lý phân phối ủy quyền máy thủy Mitsubishi tại VN, mua 11 máy thủy Mitsubishi mới chính hãng. Tuần tới, đối tác sẽ vận chuyển 7 máy đến Bình Định và sẽ lắp xong cho 7 tàu vỏ thép trước ngày 15.7. Những máy còn lại sẽ được thay thế trong tháng 8.
Tuy nhiên, chỉ có 6 máy có công suất 811 HP mới sẽ lắp đặt cho tàu vỏ thép tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. 5 máy còn lại có công suất 940 HP không lắp đặt tại đơn vị này vì không thể đưa tàu vỏ thép lên đà do nước biển cạn. “Chúng tôi yêu cầu đưa tàu về xí nghiệp của Công ty Nam Triệu ở Hải Phòng nhưng các ngư dân không đồng ý. Nếu vậy, 5 máy còn lại chúng tôi sẽ đem ra Đà Nẵng, chủ tàu đưa tàu vỏ thép ra đó để thay máy”, ông Oanh nói.
Bộ công an truy nguồn máy “dỏm”
Trong chiều 24.6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết đã nắm thông tin về một số ngư dân đưa tàu vỏ thép lên đà ở Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan để sửa chữa. Tuy nhiên, đây là chủ ý của ngư dân, chưa có sự thống nhất với các cơ quan chức năng. Ông Hổ cũng cho biết chưa nhận được thông tin, đề nghị chính thức nào từ phía Công ty Nam Triệu về việc thay thế máy mới cho tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định.
Theo đại tá Oanh, hợp đồng mua máy và các hồ sơ liên quan đến việc Công ty Nam Triệu ký hợp đồng mua máy với Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (TP.HCM) đang được Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) giữ để truy nguồn gốc máy. Công ty Hoàng Gia Phát đã cung cấp máy không đúng với hợp đồng. Trong khi hợp đồng ghi là máy thủy Mitsubishi mới (gồm máy có công suất 940 HP và máy có công suất 811 HP), nhưng Công ty Hoàng Gia Phát cung cấp máy không đồng bộ, máy cải hoán; hợp đồng mua máy có công suất 940 HP nhưng lại giao máy có công suất 800 HP. Sau sự việc, Công ty Nam Triệu đã yêu cầu Công ty Hoàng Gia Phát phải thay bằng máy 940 HP.
Đại tá Oanh cho biết máy cũ không đồng bộ đã lắp trên tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị trả lại công suất 811 HP có giá chênh lệch so với máy thủy Mitsubishi cùng công suất (mà Công ty Nam Triệu vừa ký hợp đồng mua của Công ty TNHH đầu tư - thương mại Tân Trung Thịnh) khoảng 400 triệu đồng; máy cũ công suất 940 HP chênh lệch với máy mới khoảng 550 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.