Đề án mới của ngành điện đang đề xuất thêm cách tính giá điện theo mùa, theo vùng. Tuy nhiên điều băn khoăn là cơ cấu biểu giá bán điện tới nay vẫn chưa được công khai chính thức.
Mỗi lần giá điện thay đổi, người dân lại lo lắng - Ảnh: Đ.N.Thạch
|
Liệu với cơ cấu tính giá mới, người dân có được thêm quyền lựa chọn dùng điện giá rẻ hơn hay vẫn phải thấp thỏm lo âu mỗi khi Tập đoàn điện lực VN (EVN) rục rịch dọa tăng giá ?
Cách tính giá điện phải tránh bất lợi cho người tiêu dùng
|
|
Theo đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Chính phủ phê duyệt tháng 3.2016, ngoài việc điều chỉnh biểu giá điện theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát; giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền; điểm đáng chú ý là nghiên cứu thực hiện giá bán điện theo mùa và theo vùng. Ngoài ra, bổ sung biểu giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng, trước tiên áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện lớn.
Trước đó, tháng 9.2015, EVN cũng đã lấy ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, tổng hợp báo cáo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương trình Chính phủ. Theo kết quả tổng hợp, 96% ý kiến lựa chọn phương án biểu giá bán lẻ điện rút về 3 - 4 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện nay, đồng thời chọn kịch bản 5 với mức giá từ 1.747 - 2.587 đồng/kWh.
Theo TS Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, chưa rõ Chính phủ sẽ quyết biểu giá bán lẻ điện mới như thế nào, tuy nhiên bên cạnh việc xem xét lại cơ cấu bậc thang hợp lý hơn, cũng cần nghiên cứu sớm áp dụng các cách tính giá điện tránh bất lợi cho người tiêu dùng. “VN có 4 mùa trong đó 2 mùa tương đối rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Điều chỉnh theo mùa là hợp lý, không thể đưa mức giá chung tính cho cả 4 mùa”, ông Ngãi nói.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, vào mùa mưa, thủy điện dồi dào, tỷ trọng điện phát từ nguồn thủy điện giá rẻ tăng lên, nhiệt điện giảm xuống, lợi nhuận của EVN mùa mưa rất tốt. Vào mùa khô khi phải phát hết công suất, huy động từ các nguồn chi phí lớn hơn như nhiệt điện than, khí..., giá thành sản xuất điện cũng đắt hơn. Về mặt lý thuyết, giá bán điện mùa mưa có thể rẻ hơn và mùa khô đắt hơn, nhưng điều này còn phụ thuộc vào tỷ trọng nguồn thủy điện trong cơ cấu sản lượng điện phát.
Trong khi đó, theo cơ cấu nguồn điện tới năm 2020, thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chỉ còn chiếm khoảng 25,2% (hiện tại xấp xỉ 30%), nhiệt điện than tăng lên 49,3%, nhiệt điện khí 16,6%... Tới năm 2025, nguồn thủy điện thậm chí còn giảm xuống 17,4% trong cơ cấu điện, trong khi nhiệt điện than tăng lên 55%...
Hiện tại chỉ có một số nước quy định thay đổi khung giờ cao, thấp điểm theo mùa hè/mùa đông. Hàn Quốc quy định giá điện theo mùa phân biệt 3 mùa hè, xuân/thu và đông với tất cả các mục đích sử dụng điện trừ mục đích sinh hoạt.
EVN cam kết năm 2016 không tăng giá điện
Trao đổi với báo chí ngày 17.1, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) Đinh Quang Tri khẳng định hiện nay EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
Theo ông Ngãi, để minh bạch khi nghiên cứu áp dụng giá bán điện theo mùa, EVN phải làm rõ được giá hạch toán: giá thành/kWh điện là bao nhiêu gồm chi phí đầu vào, khấu hao, thuế... “EVN ở vị thế không có cạnh tranh nên nhà nước phải nắm điều tiết về giá. Việc áp giá theo mùa theo cơ chế nào thì phải tính toán cụ thể, nhưng về góc độ người tiêu dùng thì giá càng minh bạch người tiêu dùng càng có lợi”, ông Ngãi nói.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia, để đảm bảo công bằng với người dân, phải có sự phân bổ lại cơ cấu giá giữa giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, tránh tình trạng giá điện sinh hoạt đang phải “gánh” phần nặng hơn khi giá điện sản xuất đang được giữ ở mức thấp hơn.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, trong dự thảo đề án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, EVN cũng đưa ra nhiều giả định thay đổi biểu giá áp dụng theo các nước như áp đồng giá với giá điện sinh hoạt, 3 - 4 bậc thang..., nhưng doanh thu, quyền lợi của bên bán điện là EVN không thay đổi. Quyền lợi của người dân - người mua chỉ được xem xét ở góc độ đỡ thiệt hại hơn, ví dụ như thay vì áp 6 bậc thang bán lẻ điện sinh hoạt thì rút xuống 3 - 4 bậc thang. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của ngành điện là minh bạch, tức là người dân cần được quyền biết rõ trong từng đồng tiền điện họ trả cho EVN gồm những chi phí nào và bao nhiêu là lợi nhuận của EVN... thì lại chưa được làm rõ.
Biểu đồ giá điện qua các năm - Đồ họa: Hồng Kỳ
|
Đặc biệt, trong cách xây dựng biểu giá điện hiện nay của EVN, quyền lựa chọn của người dân tương đối ít. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở việc chẳng hạn Hàn Quốc sử dụng biểu giá điện tùy chọn, quản lý theo nhu cầu, cho phép khách hàng tự động giảm giá bằng cách quản lý nhu cầu dùng điện trong giờ cao điểm. Hay tại Ontario (Canada), các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ trả tiền điện tính theo giờ sử dụng trong ngày. Giá tiền sử dụng theo giờ thay đổi tùy theo giờ trong ngày và tùy theo ngày trong tuần. Các khoảng thời gian cao điểm cũng thay đổi theo mùa hè và mùa đông. Tuy nhiên, nếu ký hợp đồng bán lẻ với một công ty bán lẻ điện, khách hàng có thể trả tiền theo giá đã thỏa thuận của hợp đồng...
Ông Ngô Trí Long cho rằng, EVN và Bộ Công thương vẫn nói giá điện tiệm cận thị trường, nhưng thực tế vẫn đang là thị trường nửa vời. “Thị trường phải có tăng có giảm, nhưng giá điện chưa bao giờ giảm, ví dụ mùa mưa khi nguồn phát thủy điện dồi dào đáng lẽ có thể giảm giá điện, nhưng EVN có rất nhiều lý do để không giảm. Về lý thuyết, phải có nhiều người bán thì người dân mới được lựa chọn mua nhiều giá khác nhau, nhưng chỉ một mình EVN bán thì người dân làm gì có cơ hội”, ông Long nhìn nhận.
Chỉ tăng, không giảm
Từ năm 2009 đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, chưa giảm lần nào, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Tháng 3.2015, giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo tính toán của EVN, năm 2016 nguồn thủy điện giá rẻ sẽ thiếu hụt khoảng 2,5 tỉ kWh do khô hạn, phải chạy nguồn nhiệt điện dầu nhiều hơn, cộng thêm 12.000 tỉ đồng biến động tỷ giá sẽ phải được đưa dần vào trong giá bán điện hiện hành. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, với việc giá dầu thế giới thấp chưa từng có như thời gian qua, việc phải chạy nhiệt điện dầu chưa thể là gánh nặng để EVN vin vào lý do biến động đầu vào tăng để tăng giá điện.
|
Bình luận (0)