Mịt mờ nguồn gốc thịt heo

08/12/2015 07:02 GMT+7

Việc phát hiện công ty dược nhập lậu salbutamol tuồn ra thị trường, rồi thêm hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm khiến người tiêu dùng rúng động.

Việc phát hiện công ty dược nhập lậu salbutamol tuồn ra thị trường, rồi thêm hàng loạt công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm khiến người tiêu dùng rúng động.

Không chỉ người mua mà cả người bán cũng mờ mịt về nguồn gốc thịt heo - Ảnh: Diệp Đức MinhKhông chỉ người mua mà cả người bán cũng mờ mịt về nguồn gốc thịt heo - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trong khi đó, hầu hết người dân đều không hề biết về nguồn gốc miếng thịt trên bàn ăn hằng ngày của mình.
10 giờ sáng tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) đã hết tấp nập buôn bán sỉ, phía hông chợ nhiều sạp hàng đổ đống bán lẻ rau quả, đi vòng phía sau là khu bán thịt. Một tay xách miếng thịt heo vừa mới mua, chị Đào cho biết: “Cứ thấy thịt ngon mềm là mua thôi chứ tôi không biết thịt từ đâu. Tôi mua ở đây cũng mấy năm rồi”.
Dọc theo thềm lên xuống là những thau đựng thịt để dưới nền xi măng thâm đen, người bán cũng ngồi bệt xuống mặc quanh đó là bao ni lông, giấy rác vương vãi. Nhiều khách hàng hối hả dựng xe chạy vào lựa thịt mua về cho kịp bữa trưa mà chẳng ai để ý đến nguồn gốc, xuất xứ miếng thịt mình mua.
Mấy chục năm nay họ chở hàng tới bán chứ tôi cũng không thắc mắc con heo lấy từ đâu, ai nuôi. Nếu thấy heo bị chích điện thịt bầm lốm đốm đỏ thì trả lại
Bà Tám, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Thị Nghè
Người mua, người bán đều “mù tịt”
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), năm 2015 tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 4,5 triệu tấn, trong đó thịt heo hơi đạt hơn 3,4 triệu tấn, thịt gia cầm gần 840.000 tấn, thịt trâu bò khoảng 400.000 tấn.
Mặc dù chỉ chiếm 25% tổng dân số, song người tiêu dùng tại thành thị tiêu thụ đến 50% tổng sản lượng thịt heo sản xuất ra trên cả nước. Đi chợ hằng ngày, nhưng các bà nội trợ như chị Đào đang đứng giữa ma trận thật giả lẫn lộn thịt các loại được bán khắp hang cùng ngõ hẻm, kể cả trong siêu thị. Họ không thể biết thịt mua có nguồn gốc từ đâu, chất lượng thịt ra sao...
Không chỉ người mua, rất nhiều người bán cũng mù mờ. Bà Tám, tiểu thương có thâm niên 40 năm bán thịt heo ở chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), cho biết thường 5 - 6 giờ sáng xe đã đến giao thịt. Lúc trước bà nhận bán heo mảnh, nhưng 1 - 2 năm nay mối đặt bà mới dặn lấy hàng... Hỏi về nguồn gốc con heo, bà lắc đầu nói: “Mấy chục năm nay họ chở hàng tới bán chứ tôi cũng không thắc mắc con heo lấy từ đâu, ai nuôi. Nếu thấy heo bị chích điện thịt bầm lốm đốm đỏ thì trả lại”. Đó là tình trạng chung của các tiểu thương tại các chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM.
Một thương lái tiết lộ, heo được nhập từ nhiều vùng, vào TP phải có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhưng khi xẻ thịt bán thì khó có thể xác định được nguồn gốc của miếng thịt. “Sau khi xẻ thịt, con heo nào cũng giống như nhau, làm sao truy xuất được miếng thịt này là của con heo ở trang trại nào, xuất ngày giờ nào, lò mổ nào...”, người này bao biện. Thế là con heo kể từ khi nuôi tới khi xuất chuồng tới vài tháng, rồi đi tới lò mổ, đi qua nhiều khâu kiểm dịch, kiểm tra nhưng ra tới thị trường là mất dấu tích. Không ai còn biết xuất xứ, chất lượng thế nào.
Không thể chỉ dựa vào “dấu xanh”
Sau hàng loạt vụ heo thối, heo sử dụng chất cấm được khui ra, người tiêu dùng bắt đầu sợ hãi nhưng vì mù mờ, nhiều người mua thịt chỉ biết dựa vào “dấu xanh” kiểm dịch in trên miếng thịt để tự an ủi mình đó là sản phẩm an toàn.
Bà Su, 65 tuổi (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7) cứ 7 giờ sáng là xách giỏ đi chợ. Sống gần hai cái chợ và siêu thị, nhưng 3 - 4 năm nay bà cứ đến một điểm bán thịt vệ đường để mua. “Tôi thấy thịt của họ có đóng dấu, chắc đã qua kiểm dịch”, bà cho hay. Quầy bán thịt là mấy mâm đựng đầy thịt đặt gần mặt đất. Cách vài bước chân, 2 - 3 người phụ nữ ngồi xổm luôn tay hết lóc thịt lại chặt xương. Hỏi nguồn gốc miếng thịt, chủ quầy chỉ tay vào con dấu màu xanh nói lấy thịt từ Hố Nai (Đồng Nai).
Chị N.Hoa (ngụ Q.9) cũng thừa nhận “chỉ có một cách nhận biết thịt an toàn là dựa vào con dấu xanh” của cơ quan thú y xác nhận sản phẩm đã được kiểm dịch. “Nhưng chất lượng bên trong miếng thịt, kể cả trong siêu thị, cũng đâu có giấy chứng nhận nào cho biết thịt có sạch không?”, chị than thở.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho rằng không thể chỉ căn cứ vào con “dấu xanh” kiểm dịch để nói thịt đảm bảo an toàn. Việc kiểm định thịt thường được thực hiện tại các lò mổ, nhân viên kiểm soát thú y kiểm tra lâm sàng chủ yếu bằng mắt, sau khi quan sát bằng mắt thấy các con vật không có hiện tượng nhiễm bệnh thì sẽ đóng dấu. Hơn nữa, khi kiểm tra thú y lấy mẫu ngẫu nhiên, một lô heo kiểm tra vài con, không thể test (kiểm tra) máu từng con một. “Việc kiểm tra lâm sàng cũng như là người ta đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ lấy ống nghe nghe nhịp tim xem có bình thường không, chứ tại lúc đó không thể phát hiện ra các bộ phận khác như gan, mật, thận có vấn đề gì không”, ông Bình giải thích.
Ngoài ra, việc lấy mẫu test nhanh có thể cho biết kết quả heo âm tính hay dương tính với chất salbutamol, nhưng cũng không định tính ra được là nồng độ bao nhiêu. Theo ông Bình, vì không thể biết được thịt có an toàn hay không, thì tạm thời chấp nhận mua thịt heo mỡ. Thí dụ, mua thịt có lớp mỡ 1,5 cm trở lên chắc chắn không có chất tạo nạc, hay thịt mông phải có lớp mỡ cỡ 1 cm trở lên. Thịt đỏ hồng chứ không hồng sậm.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cũng đồng tình với ông Bình, rằng con dấu xanh kiểm dịch chỉ khẳng định là gia súc không bị bệnh, không bị chết, không bị dịch, chứ không đảm bảo gia súc có tồn dư chất cấm hay không. Muốn biết gia súc có bị cho ăn nhiều chất kháng sinh bổ sung trong thức ăn chăn nuôi hay không thì kiểm dịch lâm sàng không phát hiện được tồn dư bao nhiêu, mà còn phụ thuộc vào nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.
Câu hỏi của hàng triệu người
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo để giết mổ trong 51 lô heo, phát hiện 31 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol hàm lượng cao thuộc 7 lô heo có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương Đồng Nai, Tiền Giang, Long An. Cuối tháng 11 vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, là chất tạo nạc và vàng O (chất tạo màu có thể gây ung thư). Gần nhất là phát hiện Công ty hóa dược quốc tế Phương Đông nhập lậu salbutamol (hoạt chất làm thuốc điều trị hen, viêm phế quản nhưng được sử dụng sai mục đích làm chất tạo nạc) làm rúng động nhiều người.
“Có cách nào để tôi truy xuất miếng thịt mình mua là sạch không?”, chị Hoa lo lắng và đây cũng là câu hỏi của hàng triệu người dân trước nỗi lo chất cấm trong chăn nuôi đang tung hoành trên thị trường.
Hôm qua (7.12), Vissan công bố bán thịt VietGAP trên 221 điểm bán hàng, tổng lượng thịt heo VietGAP Vissan cung ứng ra thị trường trung bình 35 tấn/ngày, chiếm 40% tổng sản lượng bán. Song song đó, Vissan vẫn cung ứng thịt heo có kiểm soát và tách bạch với heo VietGAP.
Mở rộng điều tra công ty trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ NN-PTNT diễn ra tại Hà Nội chiều 7.12, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT), cho biết Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, đang mở rộng điều tra về mức độ vi phạm để đưa ra xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, sau hơn một tháng tiến hành đợt thanh kiểm tra đột xuất, Thanh tra Bộ NN-PTNT và C49 đã tiến hành thanh tra tại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội. Ban đầu, đã xác định được 2 doanh nghiệp có sử dụng salbutamol là Công ty Trường Phú (Hải Dương) và Công ty Thịnh Đức (Bắc Giang). Trong số 89 mẫu thức ăn chăn nuôi lấy tại các cơ sở, qua phân tích đã phát hiện 23 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol, trong đó có 16 mẫu vượt ngưỡng. Ngoài ra, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện một công ty dược nhập khoảng 500 kg salbutamol nhưng sử dụng không đúng mục đích. Hiện tại, toàn bộ salbutamol được phát hiện và thu giữ trong đượt thanh tra đã được niêm phong.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết đường dây nóng kêu gọi người dân tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang được khai thác hiệu quả. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 thông tin phản ánh. Trong đó, nhiều nguồn tin có giá trị giúp cơ quan chức năng xử lý cơ sở, doanh nghiệp vi phạm. Điển hình nhất là ngày 26.11, qua nguồn tin phản ánh từ trang trại H.Quốc Oai (Hà Nội), Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phát hiện ông Hoàng Kim Cường (xã Minh Khai, H.Từ Liêm) vận chuyển salbutamol, hiện đang được cơ quan công an điều tra và truy tìm nguồn gốc. Theo ông Dũng, mức thưởng tối đa dành cho các nguồn tin giá trị là 50 triệu đồng.
Đáng lưu ý, ông Dũng cũng cảnh báo, qua kiểm tra tại các tỉnh phía bắc đã phát hiện thủ đoạn mới của một số doanh nghiệp “bán kèm theo túi bột màu trắng” khi tiếp thị để bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Qua xét nghiệm, các túi bột màu trắng thu giữ được là chất salbutamol, có mẫu vượt gần 100 lần mức cho phép.
Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.