Mối nguy từ cây xanh gãy đổ

14/05/2009 22:41 GMT+7

Đủ thứ nguy hiểm đang đe dọa người lưu thông trên đường. Không chỉ lo sụp “ổ gà” do có quá nhiều nơi đào đường; dây điện đứt bất ngờ... mà còn một mối nguy hiểm rình rập nữa là cây xanh gãy đổ.

Không mưa gió cũng ngã

Đã xảy ra tình trạng cây xanh ngã, gãy đổ rất bất ngờ, mặc dù lúc đó trời không mưa và cây cũng chẳng bị chết hay sâu bệnh. Chẳng hạn chiều 12.5, một cây lim xẹt trước trường Mầm non Hoa Mai trên đường Trương Định, Q.3 đã bất ngờ gãy và đổ sầm làm 2 người đi đường bị thương. Ông Lê Quyết Thắng - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết, theo xác định ban đầu thì cây lim xẹt này ngã là do trước đó vài ngày cây bị xe tải đụng, thân cây yếu đi, đến chiều 12.5 thì gãy đổ.

Theo Công ty công viên cây xanh Hà Nội (CVCX) sau trận mưa ngày 8.5.2009, riêng tại khu vực nội thành Hà Nội công ty đã phải xử lý gần 30 trường hợp cây gãy cành, đổ, nghiêng. Gần đây nhất là vụ một cây cổ thụ trên đường Tràng Thi bị bật gốc, đổ ngang đường gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty CVCX, chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay công ty đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống cây đổ như cắt tỉa trung bình khoảng gần 300 cây/tháng và mỗi năm cắt sửa khoảng từ 6.000 - 6.500 cây nặng tán, nguy hiểm. Trung bình mỗi năm có 600 cây sâu mục, chết khô được chặt hạ. Công ty đang tập trung ưu tiên xử lý những cây có mức độ nguy hiểm cao như các cây cao, nặng tán; cây nghiêng, lệch tán và những cây có cành dài gây vướng hệ thống dây điện, hệ thống đèn giao thông. Dự kiến trong quý II/2009, công ty sẽ cắt sửa khoảng gần 800 cây, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Linh Trang

Theo biên bản do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 lập thì trước đó trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, việc thi công đào vỉa hè cũng khiến một cây xanh ngã gục làm một người bị xây xát. Chưa hết, hồi tháng 4 vừa qua trên đường Võ Văn Tần, Q.3, công trình đào vỉa hè cũng đã làm bật gốc 2 cây sến cát trong lúc trời mưa. Vào tháng 3.2009, do quá trình đào vỉa hè cũng làm cây me chua và cây nhạc ngựa trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 đổ sầm xuống đường. Ông Lê Quyết Thắng cho rằng, các đơn vị thi công vỉa hè đã hạ thấp độ dày của gốc cây, khi nước mưa ngấm làm cây xanh dễ dàng trốc gốc.

Vỉa hè bó cây xanh

“Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có 691 cây xanh bị xâm hại, trong đó có 12 cây bị ngã đổ. Những cây này đã bị chặt đứt rễ trong quá trình đào vỉa hè. Chỉ cần gió nhẹ là chúng bị trốc gốc, ngã đổ” - ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty công viên cây xanh TP.HCM cho hay. Ông Phan Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý duy tu thuộc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết, trong thời gian qua, nhiều quận không ngừng thi công các công trình cải tạo vỉa hè, nhất là Q.1 và Q.3 làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống cây xanh vốn khiêm tốn của thành phố. Điều đáng nói là các công trình bê tông hóa vỉa hè thường làm theo thiết kế của quận chứ không thông qua thiết kế về bồn hoa, gốc cây của Sở GTVT. Điều này dẫn đến hậu quả là hệ thống rễ cây bị xâm hại, gây nên tình trạng ngã đổ cây trong thời gian gần đây. Vừa qua đã có gần 20 đơn vị thi công tự ý chặt rễ cây xanh bị Khu quản lý giao thông đô thị số 1 phát hiện và buộc bồi thường. “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đào đường khi gặp rễ cây tuyệt đối không được chặt mà báo ngay cho chúng tôi để xử lý”, ông Thắng nói.

Không thể an tâm!

Trả lời câu hỏi “Liệu có thể an tâm đối với cây xanh đường phố ở TP.HCM?”, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty công viên cây xanh TP.HCM, cho biết: “Những việc mà Công ty công viên cây xanh làm hằng năm như tỉa cành, mé nhánh, lấy cành khô, hạ thấp chiều cao, tạo dáng hay việc đốn hạ cây tạp, cây già cỗi, sâu bệnh để thay thế bằng cây mới... cũng chỉ là những biện pháp để hạn chế tai nạn do cây xanh gây ra mà thôi. Mỗi khi xảy ra mưa gió, tôi vẫn không an tâm đối với cây xanh đường phố hiện nay. Bởi vì cây xanh trên đường phố phải chịu ảnh hưởng của rất nhiều thứ, như hệ thống hạ tầng không đảm bảo, đường sá, vỉa hè luôn bị xâm hại, rồi bên dưới toàn đá, sỏi... cho nên rễ cây không thể phát triển bình thường được. Ngoài ra, trên đường phố còn có quá nhiều cây lớn tuổi, rất nguy hiểm”.

TP.HCM có nhiều tuyến đường trồng những cây sao, dầu từ thời Pháp thuộc và nay đã trở thành những cây cổ thụ. Việc cải tạo 2 loại cây này, theo ông Trần Thiện Hà, chưa được dư luận xã hội đồng thuận. Cho nên, chỉ có thể cắt tỉa, hạ thấp chiều cao của cây để hạn chế xảy ra sự cố gãy cành, tét nhánh. Đối với những chủng loại cây xanh khác, cũng chỉ có thể cải tạo đối với những cây nằm riêng lẻ, không ở trong một quần thể. Trước mắt chỉ làm thử nghiệm việc đốn hạ những cây me già, có thể gãy đổ trên một số tuyến đường. Những cây me này trước đây đã được hạ thấp chiều cao nhưng do bị bọng ở gốc, nên chúng rất dễ bị ngã đổ.

Theo thống kê mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, toàn thành phố hiện có 69.288 cây xanh đường phố trong danh mục do Sở quản lý, không kể số cây do người dân tự trồng.

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều vỉa hè ở nội thành quá hẹp khiến cơ quan chức năng không thể phát triển cây xanh được. Không ít trường hợp khi trồng cây bị người dân phản đối, đơn vị trồng cây phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Trong kế hoạch trồng cây đợt 1 năm nay, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 trồng mới 222 cây ở 14 quận nội thành, đốn cải tạo 811 cây, thay thế 78 cây già cỗi, thay thế 155 cây bị sâu bệnh.

Mai Vọng – Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.