Mỹ xem xét trừng phạt kinh tế Myanmar

25/10/2017 10:34 GMT+7

Đã một năm sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh trừng phạt thương mại kéo dài hàng thập niên đối với Myanmar, giờ đây nền kinh tế đang phát triển này có thể sẽ lại phải đối mặt với các biện pháp chế tài mới.

Trong một tuyên bố hôm 23.10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc đến “các lựa chọn trừng phạt kinh tế” mới đối với Myanmar nhằm đáp trả lại tình trạng khủng hoảng khiến gần 1 triệu người Hồi giáo Rohingya của nước này phải trốn sang Bangladesh. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đang thảo luận với các đồng minh để “tìm ra các phương án giải trình trách nhiệm theo luật của Mỹ, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhắm tới phạm vi nhân quyền”.
Thông báo trên xuất hiện một tuần sau khi hơn 40 nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ kêu gọi hành động chống lại các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar. Mặc dù quốc gia Đông Nam Á đã tổ chức bầu cử trên tinh thần tự do, dân chủ và minh bạch vào năm 2015, nhưng quân đội vẫn kiểm soát rất chặt chẽ các vấn đề chính phủ.
Theo CNBC, cộng đồng người Hồi giáo Rohingya sống tại bang Rakhine ở miền bắc Myanmar đã phải chịu đựng các cuộc bạo động dữ dội trong những tháng gần đây. Cuộc khủng hoảng này đã được Liên Hiệp Quốc ví như động thái làm sạch sắc tộc tại một đất nước mà Phật giáo chiếm đa số. Kết quả là cho tới thời điểm này đã có gần 1 triệu người Hồi giáo Rohingya phải tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
Các chuyên gia cho rằng nếu Mỹ áp dụng lại các biện pháp chế tài, thì quá trình chuyển đổi kinh tế của Myanmar sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Washington lần đầu tiên nới lỏng lệnh trừng phạt đối với chế độ độc tài quân sự vào năm 2012 và bãi bỏ các quy định chặt chẽ với một số doanh nghiệp nhà nước của Myanmar hồi đầu năm 2016, trước khi xóa bỏ mọi hình phạt vào tháng 10.2016 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Điều này đã khiến Myanmar trở thành một trong những thị trường nóng nhất thế giới.
Các nhà hoạt động từ lâu đã yêu cầu phương Tây hành động để gây áp lực cho chính quyền quân đội Myamar. “Đã đến lúc phải áp đặt lệnh trừng phạt”, John Sifton, giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền châu Á, nói.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng gần đây đã hủy bỏ lời mời các lực lượng an ninh Myanmar tham dự những sự kiện do Mỹ bảo trợ, đồng thời không cho tất cả các đơn vị có liên quan đến cuộc xung đột ở Rakhine tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.