Ngân hàng trì hoãn cho vay đóng tàu vỏ thép

18/06/2017 06:31 GMT+7

Ngày 17.6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh này đang xem xét đơn phản ánh của ngư dân về việc ngân hàng thương mại trì hoãn cho vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Khó thu hồi vốn
Người viết đơn là ông Phạm Hữu Danh (42 tuổi, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn). Năm 2016, ông Danh làm đơn xin vay vốn đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 và đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Ông đến Agribank chi nhánh Quy Nhơn để được hướng dẫn làm hợp đồng vay vốn hơn 16 tỉ đồng. Đại diện Agribank chi nhánh Quy Nhơn cũng đến nhà ông để thẩm định và thông báo thời gian làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Trong quá trình triển khai Nghị định 67, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp, vận động các ngân hàng tích cực hơn nữa trong việc cho ngư dân vay nhưng cũng không ăn thua. Các ngân hàng đưa ra muôn vàn lý do để làm giảm tiến độ cho vay
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Đầu năm 2017, sau khi hoàn tất hồ sơ, ông Danh đóng trước vốn đối ứng cho ngân hàng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 2.6, đại diện ngân hàng mời ông Danh lên làm việc và khuyên rút hồ sơ, đừng vay vốn đóng tàu nữa. Phía ngân hàng giải thích là có một số tàu vỏ thép đóng mới bị gỉ sét, máy bị hư hỏng nên sợ ngư dân vay vốn làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ. Ông Danh cho rằng Agribank chi nhánh Quy Nhơn giải thích như vậy là không thuyết phục. Bởi tỉnh Bình Định có 49 tàu vỏ thép đóng tại 9 cơ sở đóng tàu nhưng chỉ có 18 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có sự cố, còn các tàu khác đều làm ăn rất hiệu quả.
“Tàu vỏ gỗ hiện tại của tôi rất nhỏ, công suất 33 CV nên việc đánh bắt rất nguy hiểm. Chỉ có tham gia đóng tàu theo Nghị định 67 thì những ngư dân như tôi mới có cơ hội sở hữu được tàu vỏ thép hiện đại, yên tâm mà ra khơi đánh bắt. Đang mùa đánh bắt mà tôi ở nhà mất 4 tháng trời, đi ra đi vào từ Quy Nhơn - Nha Trang mấy lần để lấy mẫu thiết kế tàu, đi học bằng thuyền trưởng, máy trưởng... để làm hồ sơ. Vậy mà khi hồ sơ hoàn thành lại không được vay vốn. Ngày 13.6, tôi đã làm đơn gửi UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT tỉnh... đề nghị xem xét, cho tôi được vay vốn đóng tàu vỏ thép”, ông Danh nói.
Trong khi đó, ông Châu Xuân Cường, Giám đốc Agribank chi nhánh Quy Nhơn, cho biết hồ sơ vay vốn đóng tàu của ông Danh vẫn trong giai đoạn thẩm định.
Đủ lý do để làm giảm tiến độ cho vay
Ông Phan Trọng Hổ cho rằng việc các tàu vỏ thép kém chất lượng, hư hỏng phải nằm bờ đã ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai cũng như hiệu quả của Nghị định 67, trong đó đặc biệt ảnh hưởng đến ngư dân vay vốn đóng tàu về các vấn đề như: thu nhập, trả vốn vay ngân hàng, mất bạn đi biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. “Các tàu hư hỏng dẫn đến chủ tàu chậm trả nợ nên các ngân hàng thương mại lo lắng khó thu hồi được vốn, phải siết chặt thủ tục cho vay trong thời gian đến khiến ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn”, ông Hổ nói.
Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh này đã phê duyệt 289 hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 nhưng hiện chỉ có 56 hồ sơ vay được tiền, 20 hồ sơ đã được ngư dân xin rút không tham gia vay vốn, còn khoảng 200 hồ sơ chưa vay được vốn. Các ngân hàng thương mại ít mặn mà việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép và trả dần trong vòng 10 năm theo Nghị định 67 vì lo ngại vấn đề rủi ro.
“Trong quá trình triển khai Nghị định 67, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp, vận động các ngân hàng tích cực hơn nữa trong việc cho ngư dân vay nhưng cũng không ăn thua. Các ngân hàng đưa ra muôn vàn lý do để làm giảm tiến độ cho vay”, ông Trần Châu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.