Nghịch lý trái cây VN

13/07/2009 23:46 GMT+7

Thanh long và vải thiều là hai trong số không nhiều loại trái cây nổi tiếng Việt Nam được thế giới ưa chuộng, có đủ điều kiện về diện tích trồng tập trung, sản lượng lớn, chất lượng thơm ngon, ổn định... Thế nhưng con đường đến với thị trường nước ngoài của 2 loại trái cây này vẫn còn long đong. Nghe đọc bài

Lận đận thanh long

Vào Mỹ vấp... chiếu xạ

Chỉ sau một chuyến hàng, quả thanh long Bình Thuận đi Mỹ đã vấp phải một khó khăn rất lớn là quy định về chiếu xạ cho trái cây, trong khi cả nước hiện chỉ có một nhà máy chiếu xạ của Công ty Sơn Sơn tại TP.HCM, không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp (DN).

Theo Sở Công thương Bình Thuận, mới chỉ có 4 lô hàng vào Mỹ (66,5 tấn), còn từ đầu năm 2009 đến nay các DN Bình Thuận không thể xuất thanh long vào Mỹ do bị “làm khó” từ khâu chiếu xạ. Ông Nguyễn Thuận - Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - nói: “Không có máy chiếu xạ thì cánh cửa rộng cho thanh long vào Mỹ cũng không có ý nghĩa gì”.  UBND tỉnh Bình Thuận đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc chiếu xạ thanh long. Nhưng do kinh phí eo hẹp, không kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng nhà máy chiếu xạ cho thanh long tại Bình Thuận, nên vẫn phải... chờ.

Ông Nguyễn Thuận cho biết, sắp tới sẽ có một nhà máy chiếu xạ thanh long ở Bình Dương với công suất gấp hai, ba lần so với máy chiếu xạ duy nhất hiện nay của Công ty Sơn Sơn (TP.HCM). Đó đang là niềm hy vọng của 5 nhà đóng gói thanh long ở Bình Thuận đã được Mỹ cấp chứng chỉ.

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng cho biết: “Các thành viên của WTO không được đơn phương dựng hàng rào thuế quan hay hạn ngạch, nên họ sẽ dựng hàng rào kỹ thuật. Đối với trái cây, chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hay côn trùng. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng đồng thời là nguy cơ của trái cây Việt Nam”.

Sản lượng thanh long của Bình Thuận hiện lên đến 250.000 tấn/năm. Chỉ khoảng 10% trong số đó được xuất khẩu theo con đường chính ngạch đi Mỹ, Đông u và các nước Bắc Á. Tiêu thụ nội địa (chủ yếu các tỉnh phía Bắc) chiếm 25%. Còn lại là xuất khẩu đi Trung Quốc. Câu chuyện thực sự nhọc nhằn của trái thanh long Bình Thuận là dù phụ thuộc lớn vào thị trường này, nhưng theo Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng, hiện thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc bằng con đường chính ngạch chỉ chiếm... 5%. Còn lại đều vào nước bạn bằng con đường tiểu ngạch.

Ông Hùng lý giải: “Do Trung Quốc khuyến khích chính sách ngoại thương biên giới nên nhiều DN của Bình Thuận không xuất trực tiếp mà chủ yếu bán lại cho các thương nhân Trung Quốc”. Cách làm này khiến các DN Việt Nam bị thiệt thòi vì bị ép giá. Chuyện hàng trăm container trái cây bị ngưng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn thường xuyên xảy ra và người thiệt thòi lớn nhất chính là nông dân.

Ông Đỗ Minh Kính - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận - cho hay: “Dù thanh long Bình Thuận vào Trung Quốc lớn như thế (130-140.000 tấn/năm - PV) nhưng thu về kim ngạch không được bao nhiêu (trong số 13 triệu USD xuất khẩu thanh long năm 2008, kim ngạch xuất vào Trung Quốc chỉ được 731.000 USD - PV).

Phát triển “nóng” và nguy cơ

Chỉ tiêu Bình Thuận đưa ra đến năm 2010 là trồng 10.000 ha; nhưng hiện nay đã có diện tích trên 12.000 ha với khoảng 22.000 hộ dân trồng thanh long (nhiều hơn diện tích thanh long của cả hai tỉnh Long An và Tiền Giang). Việc diện tích tăng “nóng” gây áp lực rất lớn cho việc tiêu thụ thanh long. Hiện không ít thị trường xuất khẩu  đã cảnh báo thanh long Việt Nam về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều DN cũng lo ngại thanh long Bình Thuận hiện chưa đăng ký “chỉ dẫn địa lý” (một số nước gọi là “nhãn hiệu chứng nhận”) ở các quốc gia có nhập khẩu thanh long Việt Nam. Điều này dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý thương mại quốc tế cũng như tạo điều kiện để thương nhân nước ngoài mua thanh long Việt Nam nhưng dán nhãn mác nước khác để tiêu thụ.

Gian truân vải thiều

 Vải thiều vẫn phụ thuộc bấp bênh vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: Q.Duẩn

Mất mùa, được giá - được mùa, mất giá

Thời điểm này, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)... vừa kết thúc vụ vải trong niềm vui được giá. Ông Chu Văn Báo - Trưởng phòng Nông nghiệp H.Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) nói: “Giá bán vải loại 1 (loại ngon nhất) từ 11 - 15 ngàn đồng/kg và được duy trì từ đầu vụ đến cuối vụ, loại 2 từ 8 - 10 ngàn đồng/kg và loại 3 từ  5 - 7 ngàn đồng/kg. Giá trung bình ở mức 8 - 8 ngàn rưỡi đồng/kg”. Theo ông Lê Đình Sơn - Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, giá bán vải năm nay cao hơn nhiều lần so với những mùa  trước. Nguyên nhân khiến giá vải cao, rất tiếc lại xuất phát từ mùa vụ thất bát, sản lượng vải sụt giảm đáng kể. Chỉ tính riêng tại “vựa” vải lớn nhất nước là Lục Ngạn (Bắc Giang), cả mùa nông dân chỉ thu hoạch được khoảng 55.000 tấn, giảm 27.000 tấn so với năm 2008. Liên tiếp trong những năm trước đó, giá vải xuống rất thấp, có những thời điểm khi bước vào chính vụ, dân buôn chỉ trả 1.000 đồng cho mỗi 1 kg vải đã được hái và bó cẩn thận.            

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra trong nhiều năm qua, một phần là sự phát triển quá “nóng” của cây vải thiều. Năm 1990 cả nước mới chỉ có 5.000 ha vải thiều, nay đã tăng lên tới khoảng 90.000 ha, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Hải Dương và một số tỉnh khác như Thái Nguyên, Lạng Sơn... Quy hoạch cây ăn quả bị phá vỡ khi chỉ tính riêng tại vùng Đông Bắc, diện tích trồng vải đã chiếm tới 80% tổng số diện tích cây ăn trái toàn vùng. “Lượng vải thu hoạch được, nhất là trong thời kỳ chính vụ rất lớn, trong khi mùa vải quá ngắn, độ khoảng  trên dưới 40 ngày nên dẫn đến tình trạng “dội chợ”, việc bảo quản vải lại gặp rất nhiều khó khăn đẩy giá vải xuống quá thấp”, ông Chu Văn Báo phân tích thêm. Theo ông Báo, toàn tỉnh Bắc Giang mới chỉ  có 9 nhà máy chế biến vải, năm 2008 chế biến được 4.000 tấn, năm 2009 chỉ còn 1.000 tấn. Trong khi đó, ông Lê Đình Sơn nói: “Trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có một cơ sở chế biến vải nào cả, chỉ có các cơ sở sấy khô nhỏ lẻ của một số gia đình”.

Ì ạch xuất khẩu

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho rằng, ngoài việc tăng diện tích vải chín sớm giảm áp lực cho chính vụ, quy hoạch lại diện tích trồng vải theo hướng chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng, thì việc tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy nhanh mức tiêu thụ vải, nhất là tại các thị trường xuất khẩu. Theo Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 60% sản lượng vải đang được tiêu thụ tươi, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 80%, còn  lại được xuất khẩu, chủ yếu là bán sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu như Hà Khẩu (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn), Thanh Thủy (Hà Giang), một lượng nhỏ được bán sang Campuchia hoặc vận chuyển bằng máy bay đến một số nước như Đức, Nga...

Theo ông Bùi Văn Đông - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ  tổng hợp Hồng Giang (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), một trong những đơn vị có “máu mặt” trong lĩnh xuất khẩu vải thiều trên địa bàn tỉnh, thì phần lớn việc xuất hàng sang Trung Quốc là thông qua buôn bán giữa các tư thương của hai nước. “Chúng ta chưa nắm được nhu cầu thực của thị trường bên đó nên thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng hàng bị ế, các xe tải chở vải nối đuôi nhau nằm dài trên các trục đường ở khu vực cửa khẩu”, ông Đông nói.

Nhu cầu tiêu thụ vải của thị trường Trung Quốc là rất lớn nhưng theo bà Phạm Chi Lan - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển IDS - rất tiếc các doanh nghiệp VN chưa bắt mối được với những bạn hàng lớn ở Trung Quốc để tổ chức xuất khẩu một cách bài bản, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tìm được công thức hợp lý để tính toán với nhau về mặt giá cả, tổ chức vận chuyển và các khâu khác cần thiết cho bán hàng.

Đối với thị trường xuất khẩu khác, nhất là các nước châu u, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết: “Chi phí vận chuyển bằng đường hàng không quá cao, hơn nữa các thị trường này yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ sản phẩm và uy tín của mặt hàng nhập khẩu nên mặc dù ở nước nọ nước kia giá vải lên đến 7 - 9 USD/kg nhưng mình chưa thể chen chân vào được. Chúng tôi đang tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu nhưng đây là bài toán khó, không thể có lời giải trong ngày một ngày hai”.

Quế Hà - Hải Yến - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.