Ngư dân khốn khổ chờ hoàn thuế

08/03/2016 06:02 GMT+7

Sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính khiến không ít ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn.

Sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn hoàn thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính khiến không ít ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn.

Đặc biệt sự chậm trễ trên khiến các ngư dân chịu thiệt thòi khi mỗi con tàu đang bị “treo nợ” từ 300 - 500 triệu đồng.
Tha thiết mong được trả lại tiền
Đó là vướng mắc được đề cập tại Hội nghị “Sơ kết hơn một năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBND tỉnh Quảng Ngãi và Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư tổ chức hôm qua 7.3 tại Quảng Ngãi.
Trước đó, báo cáo của Bộ NN-PTNT chỉ ra sau hơn một năm triển khai Nghị định 67, cả nước có 27/28 tỉnh thành phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá với 1.084 chiếc. Hiện 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động. Trong khi đó, theo số liệu từ phía NHNN, các ngân hàng (NH) đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 385 tàu với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng. Hiện số tiền giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá chung, từ sáng kiến và tham mưu của NHNN để Chính phủ ban hành Nghị định 67, thủ tục phê duyệt của các tỉnh và cơ chế hỗ trợ ngư dân vay vốn được khơi thông; hàng trăm con tàu hình thành từ nguồn tín dụng lãi suất thấp 5%/năm đã rẽ sóng ra khơi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bà con gặp khó khăn, chịu thiệt thòi bởi sự chậm trễ từ việc ban hành các chính sách thuế, bảo hiểm.
Theo quy định tại Nghị định 67: Các chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng 10% đối với tàu đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Tuy nhiên, ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nêu vấn đề Bộ Tài chính không có hướng dẫn cụ thể nên hiện tại địa phương này có 14 chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu nhưng chưa ai được giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng. “Giữa chủ tàu là các ngư dân và cơ sở đóng tàu hoàn thuế cho ai? Nếu hoàn cho cơ sở đóng tàu thì không đúng tinh thần Nghị định 67”, ông Thọ chia sẻ với Thanh Niên.
Vẫn theo ông Thọ, Cục Thuế tỉnh, các chi cục thuế huyện đều lúng túng chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Trong khi đó, một số tàu đang đóng phát sinh tranh chấp giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu về quyền mua vật tư, máy móc, trang thiết bị... để được hưởng thuế.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, phản ánh các ngư dân tại đây tha thiết mong được hoàn thuế. “Mỗi con tàu chậm hoàn thuế ngư dân bị treo nợ từ 300 - 500 triệu đồng. Không được hoàn, họ không có tiền để trả nợ NH, không có tiền chi phí cho những chuyến ra khơi, rất khó khăn”, ông Long nói.
Bảo hiểm tàu “nửa vời”
Liên quan đến chính sách bảo hiểm, trong năm 2015 và 2016 có 26/28 tỉnh thành thực hiện bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền khoảng hơn 26.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đại diện NH Agribank cho biết, hiện nay các đơn vị bảo hiểm chủ yếu chỉ nhận bảo hiểm thân vỏ tàu, không bảo hiểm cho phần ngư lưới cụ. Trong khi đó, trên thực tế giá trị của ngư lưới cụ (đặc biệt với các con tàu vỏ thép công suất lớn) theo thẩm định của các NH, có giá trị rất lớn (từ 1 - 2 tỉ đồng). Vẫn những vướng mắc từ cơ chế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ NN-PTNT phải quy định rõ trong văn bản tọa độ, vùng biển “xa bờ” bởi hiện tại nhiều tàu hậu cần đang loay hoay chưa xác định được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.