Ngư dân sợ âu thuyền: Đi đánh cá bằng... ô tô

26/12/2015 06:00 GMT+7

Quảng Bình có đường bờ biển dài với đội tàu thuyền khá hùng hậu, nhưng những năm gần đây, các cửa biển, cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nghề biển và thiệt hại kinh tế cho ngư dân.

Quảng Bình có đường bờ biển dài với đội tàu thuyền khá hùng hậu, nhưng những năm gần đây, các cửa biển, cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nghề biển và thiệt hại kinh tế cho ngư dân.

Tàu cá mắc cạn rồi bị cát bồi lấp tại cửa Nhật Lệ
Ảnh: T.Q.NTàu cá mắc cạn rồi bị cát bồi lấp tại cửa Nhật Lệ Ảnh: T.Q.N
Nhật Lệ là cửa ngõ duy nhất cho đội tàu thuyền của xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) nói riêng và tàu thuyền khắp trong ngoài tỉnh vào neo đậu, tránh trú bão cũng như xả hàng thủy hải sản, tiếp tế lương thực. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng dự án khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Nhật Lệ với tổng mức đầu tư gần 219 tỉ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, xây dựng khu neo đậu Cửa Phú, xã Bảo Ninh. Giai đoạn 2 xây dựng khu neo đậu chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (H.Quảng Ninh).
Ám ảnh mắc cạn
Đáng nói là cửa Nhật Lệ trong 10 năm qua trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân vì bị bồi lấp. Tỷ lệ tàu thuyền vào cửa ngày càng giảm và mỗi lần vào ngư dân phải canh con nước nếu không muốn tiền mất, tật mang. Đơn cử vụ tàu QB 91188 TS, công suất 110 CV của ông Nguyễn Văn Đính (ở xã Quang Phú, TP.Đồng Hới) bị mắc cạn vào trưa 21.4. Các thuyền viên phải bỏ tàu bơi vào bờ. Sau đó lực lượng chức năng địa phương đã cứu hộ tàu. Rồi vụ tàu QB 92708 TS của ông Lê Văn Chung (xã Đức Trạch, H.Bố Trạch) bị gió thổi tấp vô mắc cạn ở cồn cát phía thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh. Chủ tàu và thuyền viên phải tháo rời các bộ phận máy móc đưa vào bờ cho khỏi bị hư hỏng, còn xác tàu kẹt trên cát.
Tại xã thuần ngư Đức Trạch (H.Bố Trạch), cuộc sống khấm khá lên nhờ nghề biển cũng đang gặp khó khăn với không ít tình huống dở khóc dở cười. Bắt đầu từ năm 2003, cửa sông Lý Hòa bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng khiến tàu thuyền lớn không thể vào được. Vì thế, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ của xã đều phải neo đậu ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và một số ít ở TP.Đồng Hới, H.Quảng Trạch. Mới có chuyện ngư dân đi đánh cá bằng ô tô. Họ đón ô tô từ quê nhà đi mấy trăm cây số vào nơi tàu neo đậu. Tàu vào bờ, họ lại lên ô tô về. Trước đây tàu thuyền vào ra tấp nập đông vui, ngư dân đi lại cũng rất thuận tiện. Giờ họ chỉ còn biết ra bờ sông, bờ biển ngồi nhìn mặt nước và thở dài.
Một cửa biển lớn khác đang trong tình trạng tương tự là cửa Roòn (H.Quảng Trạch), khu vực có gần 1.000 tàu thuyền lớn của các xã trong vùng. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong 2 năm qua, chỉ riêng tàu của 2 xã Quảng Phú và Cảnh Dương đã bị trên 50 vụ mắc cạn. Nhẹ thì gãy chân vịt, nặng thì vỡ mạn tàu. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Phó chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, việc cửa Roòn bị bồi lắng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân ở địa phương. Tàu thuyền phải neo đậu ở cửa Gianh cách xa gây bất lợi, tốn kém cho người dân. Rồi nhiều dịch vụ đi kèm như xăng dầu, đá lạnh, phương tiện vận chuyển cũng bị ảnh hưởng; có chỗ phải dừng hoạt động.
Kiến nghị nối tiếp kiến nghị
Ngư dân và chính quyền địa phương các địa bàn bị ảnh hưởng cho biết đã phản ánh lên các cấp và trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, phải kể đến những ý kiến phản ánh liên tục của ông Hoàng Nhật - Phó bí thư Thành ủy Đồng Hới trong các kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình. Trong kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa 16 mới đây (từ 9 - 11.12), ông Hoàng Nhật tiếp tục đưa vấn đề này ra làm nóng nghị trường. Theo ông, không thể để kéo dài năm này qua năm khác và không để ngư dân kêu cứu than phiền mãi.
Thực tế, đã có dự án nạo vét thông luồng nhưng cũng phải dừng lại giữa chừng. Theo đó, tháng 4.2014, Cục Đường thủy nội địa VN có quyết định phê duyệt dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa sông ra biển Nhật Lệ; Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt (TP.HCM) được giao thực hiện với tổng kinh phí hơn 130 tỉ đồng, nạo vét hơn 2,2 triệu m3 cát rồi xuất bán ra nước ngoài lấy tiền thực hiện. Nhưng sau một thời gian đã vấp phải sự phản đối của dư luận vì khối lượng nạo vét quá lớn và vị trí không sát thực đã gây sạt lở bờ biển, trong khi đó tàu thuyền ra vào cửa Nhật Lệ vẫn bị mắc cạn. Việc nạo vét phải tạm dừng, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu rà soát, đánh giá lại tác động môi trường đối với các dự án nạo vét cửa sông.
Và tình hình bồi lấp, mắc cạn vẫn như cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.