Người đẹp buôn voi

07/02/2016 14:00 GMT+7

Nhiều du khách đến Buôn Đôn thích thú khám phá câu chuyện về một người đẹp lừng danh với nghề buôn voi từ giữa thế kỷ trước.

Nhiều du khách đến Buôn Đôn thích thú khám phá câu chuyện về một người đẹp lừng danh với nghề buôn voi từ giữa thế kỷ trước.

Đàn voi thuộc sở hữu của con trai ông Đàng Nhảy ở huyện Lắk - Ảnh: Trung ChuyênĐàn voi thuộc sở hữu của con trai ông Đàng Nhảy ở huyện Lắk - Ảnh: Trung Chuyên
Ngôi nhà nhỏ khiêm nhường của gia đình chị Khăntha Taly nằm giữa buôn Ea Rông (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Chị là con út trong 4 con gái nuôi của bà Sao Thông Chăn, người phụ nữ ngày trước được ca tụng “đẹp như hoa hậu” trong hai bức ảnh chân dung treo trang trọng trong nhà. Theo chị Khăntha, nhiều khách du lịch đến nhà đều trầm trồ khi được giới thiệu đó là ảnh thời xuân sắc của mẹ chị, người đã mất ở tuổi 90 cách đây 3 năm. Chị Khăntha lưu giữ được hầu hết kỷ vật cùng tư liệu, giấy tờ và cả những câu chuyện đặc sắc về buôn bán voi của mẹ chị lúc sinh thời. Bà Sao (tên thường gọi của Sao Thông Chăn) một thời nổi tiếng không kém những gru (dũng sĩ) săn bắt voi rừng của vùng Buôn Đôn như Ama Kông…
Đầu thập niên 1940, từ Lào, vợ chồng Sao Thông Chăn theo chân người bà con là tù trưởng Khun Jun Nốp (khi đó được tôn sùng là vua săn voi) đến vùng Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn ngày nay) lập nghiệp. Trước đó, cô Sao được xem là hoa khôi vùng Chămpasăk bên Lào, trước khi lấy chồng có không ít chàng trai theo đuổi, tán tỉnh. Ở nơi quê mới, được vua voi hướng dẫn, cô Sao nhanh chóng nắm bắt nghề mua bán voi, rồi dần dần trở thành lái voi nức tiếng, giàu kinh nghiệm.
Vùng Buôn Đôn thời ấy nghề săn bắt voi rừng cực thịnh, từ đó sinh ra lớp người làm nghề chuyên tiêu thụ, mua bán voi nhưng chỉ có bà Sao là thành đạt với nghề lâu dài nhất. Ban đầu, bà Sao mua voi lẻ tẻ đưa về để chăm sóc, thuần dưỡng trước khi bán đi kiếm lời. Đến khi có vốn liếng, bà đầu tư chi phí cho hầu hết các chuyến săn voi trong rừng Yók Đôn để được độc quyền mua lại voi săn được. Chị Khăntha Taly kể: “Tôi còn nhớ trong những chuyến đầu tư săn voi như vậy, sau khi cúng tiễn các đội săn vào rừng, mẹ tôi yêu cầu trong nhà kiêng cữ cẩn thận theo phong tục. Trước khi đội săn trở về, nhà luôn đóng cửa không tiếp khách lạ, phụ nữ trong nhà không tắm gội bằng xà bông để… tránh cho thợ săn khỏi trơn tuột khi bắt voi”.
Bà Sao Thông Chăn thời xuân sắc
Bán voi cho vua Bảo Đại
Đến sau năm 1975, người dân Buôn Đôn mới biết bà Sao từng là một cơ sở cách mạng bí mật trong kháng chiến. Những chuyến buôn bán voi hợp pháp ngang dọc trong vùng và các tỉnh Tây nguyên đã giúp bà Sao tiếp tế nhiều vũ khí, lương thực, thuốc men cho cách mạng. Bà cũng hiến hai con voi để bộ đội vận chuyển đạn dược, thiết bị phục vụ chiến đấu; về sau hai con voi này bị chết khi tải đạn do đạp trúng mìn.
Nguồn lực tài chính dồi dào cùng tài kinh doanh khéo léo đã giúp bà Sao trở thành “đại gia” trong nghề buôn voi trên địa bàn Đắk Lắk. Chị Khăntha Taly kể bà từng bán nhiều con voi cho vua Bảo Đại để làm voi săn và có lần cùng các nài voi tham gia một chuyến hải hành, lênh đênh trên tàu biển gần 2 tháng trời để đưa một đàn voi được người Pháp mua và vận chuyển về nước Pháp. Sau ngày giải phóng, hầu hết các thương vụ mua bán voi ở Đắk Lắk cũng đều tiếp tục qua tay bà Sao. Theo đơn đặt hàng, bà cung cấp voi cho Hà Nội, TP.HCM, cùng nhiều địa phương khác; có lần chọn mua một đôi voi tốt để Chính phủ tặng nước bạn Cuba…
Giờ đây nghề lái voi không còn, voi nhà đang trên đà suy giảm, chuyện buôn bán voi chỉ còn trong ký ức của người dân Buôn Đôn. Ông Nguyễn Trụ - chủ một doanh nghiệp du lịch đang ôm ấp ý tưởng lập một bảo tàng văn hóa voi, cho biết đang sưu tầm những hiện vật, câu chuyện về bà Sao Thông Chăn để tạo một góc hoài niệm về nghề buôn bán voi, một nghề đã góp phần làm vang xa danh tiếng của xứ sở săn bắt, thuần dưỡng voi Buôn Đôn.
Thành đạt với nghề nhưng bà Sao lại là người long đong trong tình duyên. Vào cuối những năm 1960, bà ly dị người chồng lấy nhau từ Lào và dắt díu đến Tây nguyên rồi lấy ông Đàng Nhảy, người nổi tiếng nhiều voi ở vùng hồ Lắk, hai người sống với nhau ở buôn Alê A, thành phố Buôn Ma Thuột. Sau khi ông Đàng Nhảy qua đời, bà về lại Buôn Đôn sống cùng con gái đến cuối đời...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.