Ngày 3.4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức khánh thành giai đoạn 1 khoảng 5.000 căn nhà ở xã hội tại thành phố mới Bình Dương. Điều đáng ngạc nhiên là những căn hộ chung cư khang trang có giá bán chỉ 3 triệu đồng/m2, một căn hộ diện tích khoảng 30 m2 có giá chỉ 90 triệu đồng.
Khu nhà ở xã hội của Becamex IDC tại trung tâm thành phố mới Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường
|
Cơ hội nhà ở cho người thu nhập thấp
|
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Becamex IDC, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội của Bình Dương cho biết giá mỗi căn hộ thấp nhất là 90 triệu đồng, trong đó người mua nhà có thể trả trước từ 20 - 30%, số tiền còn lại được Becamex IDC bảo lãnh vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, trả góp từ 5 - 7 năm. Như vậy, mỗi tháng người mua trả góp từ 1 - 1,5 triệu đồng. Sau 5 - 7 năm căn nhà thuộc sở hữu của người mua. “Điều kiện được mua nhà và vay vốn ngân hàng cũng hết sức đơn giản là người lao động có thời gian làm việc và tạm trú ở Bình Dương 6 tháng trở lên, có nhu cầu thực sự về nhà ở. Thay vì mỗi tháng bỏ ra 1 - 2 triệu đồng đi thuê nhà, chính sách của UBND tỉnh Bình Dương giúp sau một thời gian người dân sẽ được sở hữu căn nhà. Đây là niềm mơ ước của rất nhiều lao động nghèo. Hiện 5.000 căn hộ giai đoạn 1 đã bán hết, giai đoạn 2 cũng đã có 500 khách hàng ký hợp đồng mua nhà”, ông Hùng cho biết.
Tại Đồng Nai, Tổng công ty IDICO cũng đã xây dựng 500 căn nhà xã hội tại KCN Nhơn Trạch 1, giá bán cho công nhân từ 150 - 250 triệu đồng/căn, giá thuê 1,2 triệu đồng/căn 34 m2/tháng. Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc IDICO, cho biết sau 2 tháng, dự án đã bán gần hết. Hiện IDICO đang chuẩn bị xây dựng thêm khoảng 500 căn hộ. Tuy nhiên, cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của tổng số 100.000 công nhân đang làm việc ở KCN này.
Trong khi đó, với chi phí về đất khá đắt đỏ, hiện nay giá nhà ở xã hội tại TP.HCM, Hà Nội đang dao động bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/m2.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Một chuyên gia bất động sản cho rằng, để làm được nhà xã hội giá rẻ như ở Bình Dương, chủ đầu tư phải được tiếp cận vốn vay giá rẻ từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, miễn các chi phí về đất, thuế, các loại phí... Tuy nhiên, do phân khúc này thu về lợi nhuận không cao so với làm nhà thương mại nên hầu như không có doanh nghiệp tư nhân nào đứng ra làm. Để không phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nghèo, công nhân, cán bộ viên chức, nhà nước có thể lấy tiền sử dụng đất để xây dựng hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội bán hoặc cho thuê theo phương thức bảo toàn vốn. Người mua nhà chỉ đóng 20 - 30% tổng giá trị căn nhà, phần còn lại sẽ được vay với lãi suất thấp, thời gian kéo dài...
Kinh nghiệm tại Bình Dương cho thấy, để làm được nhà xã hội với mức giá rẻ như vậy, tỉnh này đã phải dành ra khoảng 200 ha đất sạch, hạ tầng đã được xây dựng cơ bản trong khu quy hoạch đô thị, công nghiệp để làm nhà ở xã hội. Ngoài ra, chủ đầu tư chỉ tính giá xây dựng, còn chi phí đất, bồi thường, xây dựng hạ tầng bên trong và ngoài căn hộ được chủ đầu tư và nhà nước hỗ trợ như: xây dựng đường, điện, nhà trẻ, công viên, khu thương mại dịch vụ, nhà xe, y tế, các dịch vụ giải trí… Dự án còn áp dụng cùng lúc 5 công nghệ xây dựng mới là công nghệ sàn rỗng C-Deck, phương pháp gia cố nền đất yếu Top-base, công nghệ tường panel bê tông nhẹ, công nghệ nhà khung thép so le và biện pháp chống nóng mái bằng bê tông bọt giúp tiết kiệm thời gian thi công, giảm giá thành xây dựng, tăng độ bền công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, hiện người lao động tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng của Chính phủ rất ít. Điều kiện vay được quy định là người lao động có thời gian làm việc tại địa phương, có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên mới được vay vốn. Như vậy là rất khó khăn cho người lao động, nhất là những người mới đến làm ăn sinh sống ở địa phương. Bộ Xây dựng cần điều chỉnh chính sách nhà ở xã hội tạo điều kiện để người lao động mua được nhà dễ hơn.
Bình luận (0)