Nhiệt điện than phá hủy môi trường biển

17/02/2017 21:40 GMT+7

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân - Phân tích trường hợp Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận.

Chương trình do CHANGE (Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) phối hợp với Chính phủ Canada và Phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org tổ chức ngày 17.2 tại TP.HCM.
Đối với trường hợp nhiệt điện Vĩnh Tân và Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tháng 11.2016, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xin phép “đổ” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. PGS-TS Nguyễn Chu Hồi (Khoa Môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: Hoạt động nạo vét và nhấn chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 làm tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước vùng biển Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Vị trí đổ rất gần và sẽ gây tổn thương Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là khu vực biển động, khả năng lan truyền nhanh và phát tán rộng các chất ô nhiễm gây suy thoái các hệ sinh thái biển nông và rạn san hô. Nếu cho phép nhận chìm sẽ phá hủy vĩnh viễn các rạn san hô.
Nhiệt điện than trước nay được biết đến như một nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí và trên cạn nghiêm trọng. Hiện nay chỉ còn một vài nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam phát triển ngành năng lượng này. Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia môi trường đã nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của các nhà máy nhiệt điện đến môi trường biển.
Theo CHANGE, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than; phần lớn được xây dựng ở khu vực ven biển. Cùng với nhà máy phát điện là các cảng biển để vận chuyển than, đe dọa nghiêm trọng đến các khu bảo tồn biển và hệ sinh thái biển. Theo đó, đời sống và sinh kế của người dân cũng bị tác động.
TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nói: Trước nay tác động dưới nước ít được quan tâm vì hầu hết không ai nhìn thấy. Tuy nhiên chỉ một chi tiết rất nhỏ là nước làm mát khi thải ra môi trường biển cũng làm tăng nhiệt độ nước biển ở khu vực đó, sẽ không có loài sinh vật nào chịu được nhiệt độ cao như thế. Phát triển kinh tế, giải quyết nhu cầu về điện là cần thiết nhưng phải tính đến cái giá phải trả cho môi trường.
“Việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện là hết sức cần thiết, mọi người cần phải cân nhắc các chi phí môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.