Những ‘mỏ thuế’ lộ thiên: Cải tiến chính sách cho hộ kinh doanh

29/03/2017 06:58 GMT+7

Lên doanh nghiệp thì phải đóng thuế cao hơn, thủ tục phức tạp... nên khiến các hộ kinh doanh cá thể không sẵn lòng.

Lên doanh nghiệp, lo chạy hóa đơn
“Tôi không muốn mang tiếng chây ì là hộ kinh doanh lớn mà không lên doanh nghiệp (DN). Kinh doanh mà tâm lý đối phó kéo dài thế này tôi cũng thấy mệt”, ông B., chủ hộ chuyên làm xúc xích, thịt nguội, chà bông bỏ mối cho các chợ, nói và cho biết doanh số mỗi tháng của cơ sở đạt khoảng 150 triệu đồng.
Ông mua thịt ngay tại chợ đầu mối, hàng hóa có đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y hết, nhưng bên bán không có hóa đơn. Có mua cả tấn thịt cũng không hóa đơn. “Một quầy pha lóc thịt tại chợ Hóc Môn, trung bình mỗi ngày pha lóc bán từ 3 - 4 tấn thịt, doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, hàng hóa họ bán ra không có hóa đơn chứng từ nào cả. Đó mới chỉ là quầy pha lóc, còn quầy bán sỉ bên trong, doanh thu phải cao hơn gấp 3 - 5 lần, mà cũng không cung cấp hóa đơn. Ở "tầng trên" đã không có hóa đơn, thì làm sao phía dưới có để hạch toán đầy đủ chi phí. Lên DN mà phải nghĩ cách hợp pháp hóa chi phí thì mệt lắm. Nếu chính sách thuế quy định đầu ra đầu vào đồng bộ, thì tôi cũng không có lý do gì từ chối lên DN”, ông phân bua.
Anh D., một người đi thu mua cho một công ty thực phẩm, cũng cho biết gặp rất nhiều khó khăn vì bên bán sỉ không cấp hóa đơn. “Đơn vị bán sỉ cần có tư cách pháp nhân, có hóa đơn xuất cho người mua về bán lẻ rõ ràng thì việc quản lý thuế không khó”, anh D. nói.
Theo một chuyên gia thuế, thuế khoán doanh thu hiện nay là lỗ hổng gây thất thoát thuế vô cùng lớn. Ông đưa ví dụ, công ty A kinh doanh ngành dệt may chịu mức thuế suất thuế thu nhập DN 20%, trong năm 2016 lãi được 100 tỉ đồng, phải đóng thuế thu nhập DN 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, lĩnh vực dệt may thường thiếu hóa đơn, nên A lập nên cơ sở kinh doanh B, áp dụng mức thuế khoán, xuất hóa đơn 100 tỉ đồng cho Công ty A. Như vậy, Công ty A từ lãi chuyển sang không phải nộp thuế. Còn B, áp dụng tỷ lệ khoán doanh thu cao nhất là 10%, thì chỉ nộp thuế 10 tỉ đồng, chủ DN đút túi riêng 10 tỉ. Nhiều đơn vị đang vận dụng “chiêu bài” này.
Chống "bắt tay" bằng minh bạch số thuế nộp
Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia lĩnh vực thuế, cho rằng nhiều người e ngại lên DN do phải đối mặt với kiểm tra, thanh tra thuế. Chỉ quy định DN phải lưu trữ hồ sơ chứng từ kế toán tối thiểu 10 năm, đồng nghĩa có thể bị truy thu thuế 10 năm đã khiến hộ kinh doanh chùn chân. Trong khi hộ kinh doanh có thể thương lượng với nhân viên thuế mức cố định là chỉ còn lo làm ăn, không phập phồng lo sợ bị truy thu thuế, không bị hạch hỏi hóa đơn, thủ tục, quyết toán thuế rắc rối. “Hộ kinh doanh cá thể là những người kinh doanh trên thương trường, biết rõ cái lợi cái hại. Chỉ có một cách kiên quyết để hộ kinh doanh cá thể tự động lên DN là tính đúng tính đủ doanh số rồi áp tỷ lệ khoán đã định vào là tự động số thuế nộp cao lên, hộ kinh doanh sẽ “nhảy nhổm” lên DN”, ông Sơn phân tích.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết theo các cuộc khảo sát của đơn vị này thì có đến 70% DN hiện nay có nguồn gốc từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên động lực kinh tế để các đối tượng kinh doanh nhỏ này đăng ký thành lập DN chưa có, còn mờ nhạt. Trước hết là thủ tục, chính sách kế toán và thuế VN đang áp dụng chung cho tất cả loại hình DN quá cồng kềnh, cứng nhắc, rối rắm. Điều này khiến cho họ phải tốn thêm rất nhiều chi phí để thực hiện. Thí dụ, về mặt sổ sách, theo quy định để bóc tách được các loại chi phí trong hoạt động của DN cũng khá phức tạp và khó thực hiện với nhiều gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Ngoài ra trên thực tế, có những câu chuyện khi là hộ kinh doanh thì như “khuyết danh”, không ai biết tới, còn lên DN với biển hiệu to, một bước thành “Thánh Gióng” dễ bị các đoàn thanh, kiểm tra các cấp như an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế... “để ý” càng nhiều khiến họ e ngại.
Nhưng yếu tố kéo trì quá trình lớn lên DN, theo ông Tuấn, là hộ kinh doanh có thể dễ dàng thỏa thuận với cán bộ thuế để chỉ nộp thuế khoán ở mức thấp. Do đó, để có thể khuyến khích các hộ đăng ký thành DN, cần phải tạo ra động lực. Quan trọng nhất là thay đổi hệ thống kế toán, thuế đơn giản, dễ dàng cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có tổ chức bảo vệ quyền lợi của các hộ kinh doanh và có thể xem xét đưa ra các mô hình hỗ trợ về đào tạo quản trị. Hay như khuyến khích phát triển mô hình đại lý thuế dành cho DN siêu nhỏ với mức chi phí hợp lý để sẵn sàng cung cấp dịch vụ kế toán, khai thuế cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành DN.
Riêng đối với việc thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, ông Tuấn cho rằng giải pháp quan trọng nhất là minh bạch công khai số thuế của các hộ kinh doanh cùng mặt hàng, ở cùng khu vực để có sự giám sát lẫn nhau. Ông dẫn chứng chuyện tại một quận của một thành phố lớn sau khi thí điểm công khai số thuế của các nhà hàng trên địa bàn, ngay lập tức nhiều hộ kinh doanh đã phản ánh thắc mắc rằng tại sao nhà hàng A có đông khách hơn lại đóng thuế ít hơn nhà hàng B. Sau khi rà soát, số thuế nộp đã tăng lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.