Nông nghiệp lấy xi măng bón lúa

28/08/2016 10:05 GMT+7

Xuất khẩu gạo nhiều nhất, nhì thế giới nhưng giá trị thực tế thu về không đủ để nền nông nghiệp VN bù đắp cho việc phải nhập khẩu các loại vật tư, nông sản khác.

 Đơn cử như năm 2015, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 tỉ USD nhưng chỉ riêng việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ngốn mất 6,5 tỉ USD.
“Sáng kiến” kỳ cục của anh nông dân
Gần đây xảy ra câu chuyện lạ ở H.Lai Vung, Đồng Tháp. Một anh nông dân xây nhà, nước xi măng chảy dọc theo mương làm mấy luống rau ở đây tự nhiên xanh tốt, không thua gì bón phân u rê. Anh nông dân này mới thử nghiệm đem xi măng ra bón cho ruộng lúa. Lúa lập tức tốt um không thua gì bón phân, cho năng suất cao trong khi giá thành lại quá rẻ. Được nước, anh chế luôn ra công thức pha trộn xi măng vào phân để bón lúa, đồng thời phổ biến “kinh nghiệm” cho nông dân các tỉnh lân cận vì chi phí rẻ hơn nhiều so với cách bón phân truyền thống.
Các nhà khoa học lập tức nhảy vào cuộc, vì bón xi măng về lâu dài sẽ phá vỡ cấu trúc đất, khiến đất không còn giữ ẩm, giữ nhiệt, giữ nước và giữ phân bón cho cây. Và họ tìm ra nguyên nhân, lúa tốt là nhờ trong xi măng có can xi, giúp khử chua để làm tăng độ pH. Điều đó cho thấy độ pH trong đất trồng lúa ở các tỉnh thuộc ĐBSCL đang ở mức thấp hơn bình thường. Nghĩa là đất đã bạc màu.
Và hệ lụy của cuộc chạy đua năng suất
Năng suất khai thác lúa ở VN thuộc hàng đứng đầu thế giới. Chúng ta luôn hãnh diện với sản lượng lúa cao ngất. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 VN đạt sản lượng 45,2 triệu tấn lúa, xuất khẩu đạt gần 6,6 triệu tấn gạo, thu về gần 2,9 tỉ USD. Còn theo thống kê của Mỹ, với diện tích 7,68 triệu ha, năm 2015 VN thu được 28 triệu tấn gạo. Trong khi người Thái có 9,445 triệu ha, họ chỉ thu hoạch được 15,8 triệu tấn gạo. Lý do, người Thái để cho đất có thời gian nghỉ ngơi, còn chúng ta liên tục tăng vụ.
Đó là một thực tế. Ở ĐBSCL, nông dân gần như không sử dụng phân hữu cơ. Đất đai bị khai thác cạn kiệt, các biện pháp xen canh, luân canh không được áp dụng đầy đủ. Đất không được nghỉ, bón nhiều phân vô cơ, thuốc trừ sâu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân và dư lượng tàng trữ trong hạt gạo. Vì thế, hạt gạo của chúng ta không ngon, protein và chất béo thấp nên không cạnh tranh được với gạo các nước Thái Lan, Nhật, thậm chí với cả Campuchia.
Điều này dẫn đến giá gạo xuất khẩu thấp. Giá gạo VN thấp hơn gạo Thái 30 USD/tấn, thua gạo Mỹ 90 USD/tấn trong khi chỉ bằng hơn phân nửa giá gạo của Nhật (425 USD/tấn so với 825 USD/tấn). Năng suất cao, xuất khẩu không hết dẫn đến việc hằng năm, cứ đến mùa vụ Chính phủ lại phải chi tiền để dự trữ hàng triệu tấn lúa hoặc đưa ra những chính sách mới để giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Tuy nhiên, trên thực tế những chính sách đó chỉ có lợi cho thương lái và các công ty thu mua xuất khẩu.
Vì sao cứ phải nhất, nhì thế giới
Để giữ được vị trí cường quốc xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới, chúng ta phải tăng diện tích đất trồng lúa, tăng mùa vụ để thu được sản lượng cao trong khi thế giới đang có xu thế giảm diện tích đất trồng lúa. Trong 3 năm qua, Thái Lan đã giảm 1,5 triệu ha đất trồng lúa. Nhật và Mỹ cũng dần dần giảm. Trong lúc mặt trận thức ăn gia súc nóng như hiện nay, việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa, để trồng ra hạt gạo thiếu sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả với các nước khác, liệu đây có phải là một giải pháp đúng đắn? Chắc chắn là không.
Để thay đổi, trước hết phải khắc phục tình trạng làm nông manh mún hiện nay bằng cách thay đổi chính sách sở hữu ruộng lúa.
Theo đó, cần cho phép các doanh nghiệp mời gọi nông dân góp đất để nâng diện tích đất canh tác có quy mô lớn. Thậm chí nên có chính sách khuyến khích họ đầu tư ra nước ngoài sản xuất tại chỗ như các doanh nghiệp đã làm tại Lào, Campuchia.
Thị trường mà VN muốn nhắm đến là châu Phi với quy mô diện tích rất lớn, có thể cơ giới hóa, tạo sản lượng lớn để tập trung. Kế đến, phải có chính sách chuyển đổi đất trồng lúa để đối phó với biến đổi khí hậu, giữ độ phì cho đất, luân canh để giữ chất hữu cơ cho đất.
Cần xem lại các chính sách, chương trình phát triển cây lúa ở ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung. Trước hết cần hoạch định diện tích cây trồng, diện tích canh tác và sản lượng lúa hằng năm cho phù hợp, ưu tiên phát triển cung cấp lương thực trong nước, dự trữ quốc gia, phần còn lại mới dành xuất khẩu.
Thứ ba là xây dựng chất lượng hạt gạo VN cho ngang bằng với Thái Lan, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc hay nói cách khác là theo tiêu chuẩn quốc tế. Giống lúa đa số hiện nay lấy từ Trung Quốc mà giống này lại là giống lai, chất lượng thay đổi hằng năm. Nên cân nhắc việc thành lập một tập đoàn giống ở VN để nông dân không còn lệ thuộc vào giống nước ngoài, hoặc đặt hàng cho các viện nghiên cứu, các nhà khoa học để tạo ra giống lúa có thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Cuối cùng, cần phải có các sản phẩm sau gạo như bánh tráng, bánh phở, rượu, sữa gạo... Có thời kỳ VN xuất khẩu bánh phồng tôm quy mô lớn, nhưng bây giờ thì các sản phẩm này dường như đã biến mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.