Nữ doanh nhân tuyên chiến với bún bẩn

01/12/2015 05:42 GMT+7

Đã 3 lần trắng tay, một mình dám tuyên chiến với hàng loạt cơ sở làm bún bẩn, mấy mươi lần gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm công bằng cho nghề của mình...

Đã 3 lần trắng tay, một mình dám tuyên chiến với hàng loạt cơ sở làm bún bẩn, mấy mươi lần gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm công bằng cho nghề của mình...

Bà Nguyễn Bính (phải) tại xưởng sản xuất của mình - Ảnh: N.N
Bà Nguyễn Bính (phải) tại xưởng sản xuất của mình - Ảnh: N.N
Đó là vài nét phác thảo chân dung của bà chủ thương hiệu bún Thủ Đức Nguyễn Bính. 
Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi, có cuộc gọi từ Tiền Giang đề nghị bà cung cấp bún tươi thương hiệu bún Thủ Đức Nguyễn Bính số lượng 1 tấn với yêu cầu bún tươi giữ được 3 - 4 ngày. Bà Bính từ chối thẳng thừng: “Bún tươi không bỏ chất bảo quản, khó để quá một ngày”.
Nói không với chất bảo quản
Tắt điện thoại, bà Bính cho biết đây là cuộc điện thoại thứ 4 trong ngày yêu cầu cung cấp bún tươi để lâu hơn 2 ngày. Đây không phải là lần đầu tiên bà Nguyễn Bính thẳng thừng từ chối trước yêu cầu bỏ chất bảo quản cho sản phẩm.

Nhiều cơ sở nhắn tin đe dọa tôi, nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại “vạch áo cho người xem lưng” nghề của mình vậy. Nhưng với tôi, đó là tội ác, không phải là bí quyết nghề. Tôi thà “dẹp tiệm” chứ không chấp nhận làm ăn gian dối, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến mạng sống con người

 

 Từ năm 2002, khi còn là cơ sở sản xuất bún tại Q.Tân Bình (TP.HCM) với công suất chỉ vài trăm ký mỗi ngày, bà đã nổi tiếng “một mình chống lại mafia làng bún” (cách ví von của các khách hàng gọi bà Bính) khi phản ứng mạnh mẽ trước thực trạng nhiều cơ sở sản xuất bún bỏ thêm chất tynopal (hóa chất huỳnh quang chỉ sử dụng trong dệt sợi vải, làm bóng đèn, sơn, tuyệt đối không được phép dùng trong thực phẩm - PV), để tẩy trắng bún.
Từ năm 2004 - 2006, bà liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng phản ánh vấn nạn này. Sau đó, cơ quan chức năng thực hiện nhiều cuộc kiểm tra xử phạt hàng loạt các cơ sở sử dụng hóa chất tại Q.Gò Vấp, Q.8, Q.Thủ Đức. “Nhiều cơ sở nhắn tin đe dọa tôi, nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại “vạch áo cho người xem lưng” nghề của mình vậy. Nhưng với tôi, đó là tội ác, không phải là bí quyết nghề. Tôi thà “dẹp tiệm” chứ không chấp nhận làm ăn gian dối, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến mạng sống con người”, bà Bính nói.
Không chỉ thẳng thừng tuyên chiến với bún bẩn, bà Bính cũng là người cẩn trọng trong việc chọn mua nguồn nguyên liệu. Theo bà, để sợi bún dai, ngon, giòn, bí quyết ở hạt gạo chứ không phải hóa chất. Bà Bính nói: “Với một chiếc xe máy cũ, tôi từng chạy hết 12 tỉnh thành miền Tây Nam bộ, cuối cùng, chọn gạo của Bến Tre là đạt chuẩn, ổn về chất lượng nhất để làm bún. Đi xe máy cũ người ta nghi ngờ không thèm tiếp, lần sau phải thuê ô tô đi”.
Thực tế, thương hiệu bún Thủ Đức do chính bà Nguyễn Bính đặt từ năm 1999 và nay được nhiều cơ sở bún dùng như thương hiệu chung của sản phẩm bún chất lượng tại TP.HCM. Bà Bính cho biết: “Tôi mua bản quyền tên miền sản phẩm này, tuy nhiên, vì địa danh nên không thể đăng ký sở hữu.
Đổi lại, tôi mua toàn bộ các tên miền gắn với chữ “bún Thủ Đức”. Cũng dịp này, bà sáng kiến đóng gói 0,5 - 1 kg thay vì để cả thúng rồi người bán "bốc" cân theo nhu cầu người mua như cách bán bún tươi truyền thống. Bà bảo, lúc đầu đóng gói với mục đích để “kẻ xấu không có cơ hội chèn hàng kém chất lượng vào”.
Nhưng sau để xác tín trách nhiệm với khách hàng, bà in tên, địa chỉ và số điện thoại công ty lên mỗi gói bún. Đến nay, sau hơn 15 năm hoạt động, nhà xưởng làm bún của Nguyễn Bính rộng 250 m2, tổng đầu tư trên 30 tỉ đồng, nuôi hàng chục nhân viên làm thường xuyên và mùa vụ, 6 chiếc xe tải, 4 xe máy để vận chuyển bún cung cấp cho toàn thị trường TP.HCM hơn 1.000 tấn bún, miến, phở, bánh canh mỗi ngày.
“Bún bẩn làm một mẻ mất 2 - 3 giờ, bún sạch mất 7 ngày qua 15 khâu. Nói thế để thấy, có 101 cách gian lận để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhưng tôi từ chối thẳng. Tôi từng đưa sản phẩm vào một số siêu thị và cũng từng tự ý rút lui khi họ đặt vấn đề về giá dù chỉ thấp hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với tôi, chất lượng sạch là quan trọng nhất” - bà Bính tuyên bố.
Từ chối thương vụ 100 tỉ đồng
Khá am hiểu về ngành cơ khí, chính bà Bính là người tự thiết kế và nêu ý tưởng để xưởng cơ khí sản xuất dây chuyền sản xuất bún, phở, miến... tự động, đưa công suất từ 200 kg lên 700 kg/giờ. Bà Bính cũng là người đầu tiên đưa công nghệ lò hơi vào sản xuất bún. Từ lò hơi, bà tiếp tục cải tiến lên lò điện, nhằm giảm chi phí nhiên liệu. Tháng 10.2014, bà Bính lập đề án quy hoạch khu làng nghề cho ngành bún gửi UBND TP.HCM. Bà Bính bảo, tham vọng của bà là phải có nhà máy lớn gấp 3 lần hiện nay vì nhu cầu thị trường với sản phẩm sạch còn rất lớn. Phải xây dựng nhà máy tự động hóa hoàn toàn với dây chuyền khép kín.
Vậy nhưng vừa qua có một nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Tập đoàn Thai Wah, đơn vị có 60 năm làm thực phẩm tại Thái (trong đó có sản xuất bún, miến) đã đến Công ty Nguyễn Bính đặt vấn đề mua lại 60% cổ phần của công ty với giá tiền 100 tỉ đồng thì bà lại từ chối. “Nhà đầu tư này đã đến gặp làm việc với chúng tôi nhiều lần. Tôi cũng không dám phán đoán ý đồ của họ, song bằng kinh nghiệm kinh doanh tôi cho rằng, có lẽ họ muốn đưa hàng của Thai Wah vào VN qua kênh phân phối rộng lớn mà chúng tôi gầy dựng 15 năm qua tại VN. Thực ra, nếu có nhà đầu tư để cùng phát triển, tôi sẵn lòng. Nhưng đầu tư để thâu tóm, chiếm hệ thống phân phối, chắc chắn là không, dù trả bao nhiêu tiền” - bà khẳng định.
Hiện chuỗi nhà hàng Món Huế tại TP.HCM là khách hàng lớn của Bún Nguyễn Bính. Nhiều hệ thống nhà hàng uy tín là khách hàng vì bún bảo đảm chất lượng nhưng giá cao hơn. Hiện giá bán lẻ bún Thủ Đức Nguyễn Bính là 12.000 đồng/kg, trong khi bún không có thương hiệu là 9.000 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.