Đưa ong đi lánh nạn
Có 30 hộ nuôi ong, quy mô tối thiểu từ 10 đàn trở lên, xã Thanh Vân là vùng nuôi ong trọng điểm tại H.Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Gần 2 tháng nay, người nuôi ong ở đây phải chạy đôn đáo tìm bãi đưa đàn ong đi lánh nạn, trước tình trạng hàng chục chủ nuôi ong từ dưới Tuyên Quang đưa giống ong Ý lên Hà Giang lấy mật bạc hà.
14 năm nuôi ong, anh Cháng Thìn Nù (xã Thanh Vân, H.Quản Bạ) chia sẻ, chưa năm nào người nuôi ong khốn khổ như năm nay. Mưa ít khiến lượng hoa bạc hà không nhiều, cộng thêm lượng ong ngoại vào, khiến 200 đàn ong giống nội của gia đình bị mất, vỡ gần 50 đàn. Nhìn xác ong nội bị ong Ý cướp mật, cắn chết la liệt ở chuồng nuôi, anh Nù buộc phải thuê xe ô tô chở toàn bộ đàn ong còn lại lên đặt tại xã Vần Chải (H.Đồng Văn).
Anh Nù cho biết, có thời điểm, xã Thanh Vân thêm 5 điểm nuôi ong, mỗi điểm quy mô từ 300 - 500 đàn ong ngoại. Không riêng anh Nù, nhiều hộ nuôi giống ong nội tại Quản Bạ phải gấp rút sơ tán đàn ong ra khỏi địa bàn tránh nguy cơ mắt trắng tài sản.
Theo anh Nù, mật ong bạc hà có màu xanh, thơm mùi hoa bạc hà, giá bán từ 400.000 - 450.000 đồng/lít. Chu trình mỗi lần quay mật tối thiểu khoảng 20 ngày đến 1 tháng, sản lượng tùy thuộc vào lượng hoa nhiều hay ít. Còn với giống ong Ý, người chăn nuôi cho ong ăn thêm đường, mật ong nên thời gian cho mật chỉ từ 7 - 10 ngày, giá bán mỗi can 10 lít chỉ trên dưới 2 triệu đồng.
“Thời gian đầu, rất khó nhận biết mật ong bạc hà tự nhiên với mật của giống ong nuôi thêm bằng đường hoặc mật ong. Để một thời gian, mật ong lắng xuống, nếu đáy chai mịn như mỡ lợn, đó là mật ong bạc hà tự nhiên. Còn nếu đáy chai lợn cợn, kết tủa thì chắc chắn không phải là mật ong tự nhiên”, anh Nù nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dinh Chí Thành, Phó chủ tịch UBND H.Đồng Văn (Hà Giang) xác nhận nhiều vùng nuôi ong bạc hà tại địa phương này đang chịu thiệt hại nặng nề từ tình trạng di cư của các đàn ong ngoại, khi mật độ đặt ong quá dày, quả tải tại các bãi nuôi ong. Địa phương rất khó quản lý chất lượng sản phẩm mật ong bạc hà từ các đàn ong ngoại khi có tình trạng sử dụng đường, mật ong làm thức ăn thêm không đúng với chất lượng, hương vị của mật ong bạc hà Mèo Vạc “xịn”.
Ông Thành dẫn chứng: ngày 26.10, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Quản lý thị trường và Phòng Nông nghiệp H.Đồng Văn phát hiện tại điểm nuôi ong xã Thài Phìn Tủng của ông Lê Tiến Tuân (trú tại xã An Khang, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) 22 can nhựa với gần 400 lít mật ong. Qua làm việc, ông Tuân thừa nhận, đây là mật ong hoa keo, khai thác tại xã Yên Phú, H.Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, được đưa lên Đồng Văn dùng làm thức ăn thêm cho các đàn ong đang trong thời gian khai thác mật hoa bạc hà. “Đối với mật ong bạc hà tự nhiên đều có quy định rất rõ về giống ong nội, các hộ nuôi có đăng ký để được sử dụng mã số chỉ dẫn địa lý nên những hành vi gian lận của người nuôi ong di cư từ nơi khác đến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm của mật ong bạc hà Mèo Vạc”, ông Thành lo lắng nói.
Lo mất thương hiệu
Chuyên gia về ong mật - TS.Phùng Hữu Chính, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong T.Ư, cho biết, giống ong đang nuôi lấy mật bạc hà ở Hà Giang là ong nội dòng Apis Cerana Cerana. Đây là giống ong nội có khả năng chịu lạnh tốt, chỉ có ở vùng núi cao tỉnh Hà Giang. Ở góc độ khoa học, hiện tượng tranh cướp mật, cắn phá giữa các đàn ong ngoại và đàn ong nội xảy ra khi mật độ tập trung điểm nuôi, đàn ong quá dày, lượng hoa ít. Đặc tính đàn ong ngoại khỏe, đàn đông hơn, nên thiệt hại nặng là giống ong nội.
Cũng theo TS Chính, giống ong nội thường cho chất lượng thơm ngon hơn ong ngoại, dù mật có loãng hơn, không đặc sánh bằng mật do ong ngoại lấy về. Ở những vùng đã quy hoạch nuôi ong nội thì tốt nhất nên khoanh vùng, không đặt ong ngoại vào đây, tránh xung đột. Nếu có đặt ong ngoại thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 2 - 3 km.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, theo quyết định 316 ngày 1.3.2013 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc (theo đăng ký của tỉnh Hà Giang) có mã số 00035, cấp cho sản phẩm mật ong khai thác tại 47 xã của 4 huyện, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, đối với giống ong nội bản địa Apis Cerana Cerana. Theo đó, các giống ong khác được nuôi trong địa bàn nói trên thì sản phẩm mật ong không được ghi thương hiệu mật ong Bạc Hà.
|
Cũng theo ông Vinh, sản lượng mật ong bạc hà Mèo Vạc không nhiều, chỉ dao động khoảng 163.000 tấn và có giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với loại mật ong các loài hoa khác. Giá trị kinh tế cao nên khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người nuôi ong từ các tỉnh khác ồ ạt lên khai thác hoa bạc hà, chủ yếu là giống ong ngoại, gây xáo trộn sản xuất, gây thiệt hại, tổn thất kinh tế cho đồng bào dân tộc thiếu số có nghề nuôi ong.
“Chúng tôi không cản cấm người nuôi ong ngoại tỉnh, nếu như họ sử dụng giống ong bản địa, theo đúng đăng ký chất lượng mật ong bạc hà Mèo Vạc. Nếu người nuôi ong tiếp tục ồ ạt đưa ong ngoại vào các địa bàn quy hoạch nuôi ong nội như hiện nay thì thiệt hại trước mắt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ mất sinh kế. Khi ong nội bị vỡ, mất đàn, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc vì không được nuôi đúng giống, đúng quy trình lấy mật tự nhiên”, ông Vinh bày tỏ.
Kiểm soát mật ong đúng chất lượng đăng ký
Ngày 4.11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang hướng dẫn về chuyên môn bảo vệ thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc. Bộ này khuyến cáo chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong đã đăng ký theo chỉ dẫn địa lý, tránh gian lận thương mại, để người tiêu dùng được sử dụng sản mật ong đúng chất lượng đã đăng ký.
|
Bình luận (0)