(TNO) Trong nhiều năm trời, Nike, tập đoàn may mặc hàng đầu của Mỹ có tai tiếng về thuê mướn nhân công với giá rẻ mạt ở châu Á, bị xem như tượng trưng cho mặt trái của thương mại quốc tế, tờ New York Times (Mỹ) bình luận hôm 7.5.
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: AFP
|
Vì thế nhiều nhà hoạt động vì người lao động tại Mỹ đã bị sốc và thậm chí một vài quan chức trong chính phủ ngạc nhiên khi Tổng thống Barack Obama chọn trụ sở tập đoàn này ở Oregon làm nơi vận động cho đàm phán về thương mại.
New York Times bình luận tâm điểm của chuyến thăm trụ sở Nike của ông Obama, diễn ra vào sáng 8.5 (giờ Mỹ), là một cuộc tranh cãi lớn xoay quanh tương lai cho nền kinh tế Mỹ trên thế giới.
Từng được nhiều người xem như hiện thân của toàn bộ những điều sai trái của toàn cầu hóa, Nike khẳng định họ đã cải tổ lại phương thức hoạt động và đang trở thành một tấm gương về những ưu điểm do thị trường tự do toàn cầu mang lại, theo tờ báo Mỹ.
New York Times nhận định ông Obama nhiều khả năng sẽ cố thuyết phục người dân cả nước, đặc biệt là đảng Dân chủ của ông, rằng các con sóng lịch sử đang phụ thuộc vào giao thương và rằng các chính sách cũ cần phải được đổi mới.
Trong khi đang đàm phán với 12 quốc gia về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ là hiệp ước có quy mô lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua, tổng thống Mỹ muốn biến Nike từ là trung tâm của tranh cãi về tự do thương mại thành trung tâm của các tranh cãi về hoạt động kinh doanh của tập đoàn trị giá hàng tỉ USD này.
New York Times cho biết Nhà Trắng từng úp mở sẽ đưa ra một thông báo vào ngày 8.5 về mục tiêu kể trên, nhiều khả năng là một tiên đoán hay cam kết của Nike về số lượng việc làm tập đoàn này sẽ tạo ra ở Mỹ một khi TPP được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
“Tất cả các bạn sẽ thấy rõ hơn vì sao đây (Nike) lại là một minh chứng cho những lợi ích kinh tế khổng lồ, những lợi ích dành cho người dân Mỹ và cho những gia đình trung lưu của đất nước. Những điều này phụ thuộc vào việc phê duyệt và triển khai TPP”, New York Times dẫn lời ông Josh Earnest, người phụ trách báo chí của Nhà Trắng, phát biểu trong tuần này.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Mỹ lại không bị thuyết phục bởi các tuyên bố kể trên từ chính quyền. Vài trăm người biểu tình phản đối TPP đã “chào đón” ông Obama tại một buổi gây quỹ ở Portland vào ngày 7.5 và đã có lời kêu gọi biểu tình bên ngoài trụ sở Nike vào ngày 8.5.
“Nike chính là minh chứng lý giải vì sao các chính sách tự do mậu dịch thảm họa được tiến hành trong suốt 4 thập kỷ qua khiến nhân công Mỹ bị thiệt hại, làm mục nát nền tảng sản xuất của ta và làm tăng cách biệt giàu nghèo tại nước này”, thượng nghị sĩ Bernie Sanders chỉ trích trong lá thư gửi ông Obama trong tuần này.
Được biết, trong phần lớn thời gian của thập niên 1990, Nike đã đi đầu trong việc đem hoạt động sản xuất sang các nước như Việt Nam, Bangladesh, nơi nhân công rẻ và tiêu chuẩn lao động thấp, theo New York Times.
Phil Knight, chủ tịch kiêm đồng sáng lập Nike, thậm chí từng thừa nhận rằng trong suy nghĩ của công chúng Mỹ, sản phẩm của tập đoàn đã “đồng nghĩa với đồng lương nô lệ, tệ nạn ép làm ngoài giờ và hành hạ nhân công”.
Nhưng sau đó, Nike đã cố gắng nâng cao chất lượng và cải thiện danh tiếng. Tập đoàn này là hãng Mỹ đầu tiên công khai tên và địa điểm của tất cả các xưởng của mình đặt bên ngoài nước Mỹ.
Với doanh thu trong năm 2014 đạt 27,8 tỉ USD và việc một số vận động viên nổi tiếng nhất thế giới sử dụng sản phẩm của họ, Nike đã thuê 26.000 nhân công tại Mỹ và mới đây đã tạo ra thêm 2.000 việc làm lương cao tại Oregon. Tuy nhiên, các phân xưởng của tập đoàn ở ngoài nước Mỹ đã thuê 1 triệu nhân công, với khoảng 1/3 trong số này làm việc tại Việt Nam.
Bình luận (0)