Phát triển nhiệt điện than là tất yếu?

04/03/2017 06:28 GMT+7

Ngày 3.3, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Công thương, ông Phương Hoàng Kim, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, khẳng định: Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giá thành sản xuất điện than thấp (sau thủy điện) nên để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển điện than là nhu cầu tất yếu. Chính vì vậy mà theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.
Để làm rõ thêm sự tất yếu phải phát triển nhiệt điện than, PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, cho biết: Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong khoảng 300 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất. Do giá thành sản xuất điện thấp nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đều chuyển sang phát triển nhiệt điện than. VN cũng tương tự. Đối với các chất thải nguy hại của nhiệt điện than đều có các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Ống khói rất cao, phổ biến trên 200 m nên nồng độ phân tán trong không khí rất bé, ảnh hưởng rất ít đến nồng độ trong môi trường không khí xung quanh. “Nếu nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì không có vấn đề gì”, TS Nghĩa kết luận.
Liên quan đến nhiệt điện than, trong một email gửi đến phóng viên Báo Thanh Niên mới đây, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID - một tổ chức phi lợi nhuận (NPO) của VN được thành lập dưới Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA), lại cho rằng: Nhiệt điện than là nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Các nhà máy nhiệt điện than làm ô nhiễm không khí và nguồn nước và thải nhiều carbon gây ô nhiễm hơn bất kỳ phương thức sản xuất điện nào khác. Trong khi thiết bị kiểm soát ô nhiễm có thể làm giảm phát thải khí độc, chúng không thể loại trừ ô nhiễm hoàn toàn. Thay vào đó, chúng chuyển phần lớn chất gây ô nhiễm không khí thành chất thải dạng lỏng và rắn. “Nếu có ai đó nói về công nghệ “than sạch” thì đó là lời nói dối” - GreenID nêu.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia độc lập phân tích nhu cầu điện của VN sẽ không tăng đáng kể nếu chúng ta không ưu tiên phát triển những ngành tiêu hao nhiều năng lượng như sắt thép, xi măng. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và các thiết bị tiết kiệm điện để làm giảm nhu cầu tiêu thụ điện. Các chuyên gia cũng đề nghị VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh hiện hành, giảm thậm chí dừng xây dựng nhiệt điện than, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện từ năng lượng mặt trời, điện gió và sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.