Rau sạch loay hoay tìm đầu ra

31/03/2017 13:40 GMT+7

Mất rất nhiều công chăm sóc, đầu tư tiền bạc tốn kém, tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất rau sạch, an toàn… thế nhưng đầu ra cho những loại rau sạch lại luôn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều năm nay, ông Bùi Viết Tiểng, Giám đốc hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Bình Nguyên (tổ 2, P.Tân Thiện, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn đang loay hoay với việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm rau sạch do cơ sở của mình sản xuất. Hiện nay, HTX sản xuất rau an toàn Bình Nguyên có 27 hộ tham gia sản xuất rau sạch. Mặc dù áp dụng tất cả các quy trình đảm bảo chất lượng, an toàn và giá cả có thể cạnh tranh được với các loại rau củ của Đà Lạt nhưng rau sạch của HTX vẫn chưa có đầu ra ổn định mà chỉ cung cấp chủ yếu tại chợ Đồng Xoài và một số đầu mối thu mua ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Thậm chí có một số hộ còn tự đem sản phẩm ra ngoài chợ bán trực tiếp.
Ông Tiểng cho biết đưa rau vào các siêu thị lớn thì không được do sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa ai kết nối, tự thân HTX và các nông hộ không làm nổi việc này. Còn đem ra chợ bán lẻ thì tâm lý so đo từng đồng một của người tiêu dùng khi phải lựa chọn rau sạch giá bán cao so với rau thường giá bán thấp (có khi chỉ chênh nhau có 500 đồng/bó cùng chủng loại và trọng lượng) nhưng rau sạch vẫn ít được người tiêu dùng lựa chọn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hữu (một hộ dân có thâm niên hơn 15 năm trồng rau ở tổ 2, P.Tân Thiện, TX.Đồng Xoài) thì rau an toàn do các HTX làm ra phần lớn chưa có nhãn mác, chưa có tem để phân biệt với rau thông thường. Vì vậy, mặc dù rau được trồng đúng quy trình, sạch thật, an toàn thật nhưng vẫn khó bán.
Không chỉ riêng ông Tiểng, ông Hữu mà hầu hết các cơ sở sản xuất, hộ nông dân trồng rau sạch ở Bình Phước hiện nay muốn tồn tại được vẫn phải tự lực cánh sinh, chủ động tìm đầu ra cho rau sạch. Đây là thực trạng chung hiện nay của rau sạch, rau an toàn ở Bình Phước.

tin liên quan

Triệu phú rau sạch công nghệ cao
Những luống rau sạch trồng theo công nghệ cao đang giúp anh Trương Vũ Hoàng (29 tuổi, ngụ tại xóm 2, xã Hội Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Lối đi nào cho… rau sạch?
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bình Phước phân tích: “Để giải quyết đầu ra cho rau sạch, cần làm tốt việc xây dựng được nguồn nguyên liệu rau sạch, an toàn theo chuẩn VietGAP, chứng minh được đó thực sự là rau sạch, thông qua sự kiểm định thường xuyên của cơ quan chức năng. Sản phẩm đưa ra thị trường cần phải được dán nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm an toàn nhưng phải hướng đến giá thành thấp để cạnh tranh… có như vậy mới thu hút được người tiêu dùng”.
Hiện tại số HTX trồng rau sạch ở Bình Phước được cấp chứng chỉ VietGAP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư cho biết thời gian tới Trung tâm sẽ lựa chọn một số mô hình HTX để hỗ trợ người trồng rau hướng tới đạt chuẩn VietGAP. Cụ thể sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng nhà màng để hạn chế sâu bệnh, cải thiện chất lượng rau đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và giảm giá thành sản phẩm.
Về phía người sản xuất, bà Tuyết đề nghị phải chứng minh được cho khách hàng thấy sản phẩm của mình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Khi sản phẩm đã có nhãn hiệu, gắn logo VietGAP, các nhà phân phối, nhập khẩu và người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng”, bà Tuyết nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.