Sân bay nhỏ lỗ nặng

23/09/2011 00:43 GMT+7

Hàng loạt cảng hàng không địa phương đang rơi vào tình cảnh thua lỗ do lượt bay quá ít, phí dịch vụ không bù được chi phí vận hành. Nhưng điều đáng lo ngại là viễn cảnh thua lỗ này cũng không ngăn được “giấc mơ sân bay” của nhiều tỉnh.

Sân bay Cà Mau mỗi năm lỗ khoảng 5 tỉ đồng -  Ảnh: Mai Vọng

Bù lỗ cho 5 sân bay phía Bắc

Theo công bố, năm 2010 NAC đã phải chi ra 82,3 tỉ đồng để bù lỗ cho 5 cảng hàng không địa phương mà doanh nghiệp này quản lý, trong đó Đồng Hới 58,7 tỉ đồng, Vinh 9,1 tỉ đồng, Điện Biên 9,2 tỉ đồng, Cát Bi 3,2 tỉ đồng, Nà Sản 2 tỉ đồng.

Riêng 8 tháng đầu năm nay, số tiền NAC phải bù lỗ khoảng 64,4 tỉ đồng. Chi phí bình quân đối với mỗi chuyến bay là 12,8 triệu đồng/chuyến, trong khi mức phí theo quy định của Bộ Tài chính từ 2 - 5 triệu đồng/chuyến, nên bình quân NAC phải bù lỗ cho các cảng địa phương 9,8 triệu đồng mỗi chuyến bay.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không miền Bắc (NAC), xác nhận từ trước tới nay các cảng địa phương, đặc biệt là cảng nhỏ, tần suất bay thấp, có cảng chỉ có 1 chuyến/ngày, luôn gặp khó khăn về chi phí vận hành. Vào mùa cao điểm, kế hoạch bay của Vietnam Airlines tăng lên, các sân bay như Vinh, Cát Bi khoảng 7 chuyến/ngày, nhưng cảng lại rơi vào cảnh quá tải công suất, không đủ nhân lực.

“Hầu như tháng nào chúng tôi cũng lỗ”

Phân tích nguyên nhân nhiều cảng địa phương rơi vào tình cảnh hoạt động khó khăn do lỗ, ông Vũ Văn Viên, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), cho rằng do giá dịch vụ giữa NAC và các hãng hàng không theo quy định của Bộ Tài chính quá thấp so với chi phí hoạt động tăng lên của các cảng. Riêng với Cát Bi, hiện cảng và hãng Jetstar Pacific vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong việc ký giá theo hợp đồng mới, trong khi hợp đồng cũ ký cách đây cả chục năm đã hết hạn. “Dịch vụ mới đã tăng khoảng 30%, có dịch vụ tăng lên tới 50%, nhưng vẫn thanh toán giá cũ thì rất khó khăn cho cảng”, ông Viên nói. Theo ông Viên, các cảng nhỏ như Đồng Hới (Quảng Bình), Nà Sản (Sơn La)… chuyến bay rất ít, nhưng để đảm bảo mục tiêu kinh tế xã hội, an toàn bay nên vẫn phải duy trì hoạt động. Trong khi đó ông Tạ Thành Mai, Giám đốc Cảng hàng không Nà Sản, cho biết cảng này đang phải ngừng khai thác để nâng cấp. Tổng công ty cũng khó khăn nên việc bù lỗ cho các địa phương cũng bị hạn chế.

Tại khu vực miền Trung, Tổng công ty cảng hàng không miền Trung (MAC) cho hay, ngoài 2 sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh có lợi nhuận, các sân bay còn lại gồm Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai đều thua lỗ trong nhiều năm liền. Do vậy, theo ước tính ban đầu, năm 2011, MAC lỗ hơn 47 tỉ đồng. Sau khi kế hoạch sản xuất năm 2011 được điều chỉnh, con số trên đã được giảm xuống còn hơn 18 tỉ đồng.

Thường những dịp lễ tết mới có đông khách, còn những ngày bình thường, lượng khách không ổn định. Trung bình, mỗi năm lỗ khoảng 5 tỉ đồng

Ông Đặng Kiều Bá, Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không VN ngày 13.9, MAC đã đưa ra kiến nghị tăng giá phí dịch vụ mặt đất để khắc phục tình trạng thua lỗ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng xin điều chỉnh sân bay Phù Cát từ nhóm B lên nhóm A để đảm bảo cho cảng hàng không này thu được doanh thu tương xứng với dịch vụ đã cung cấp.

Tình trạng của các sân bay nhỏ ở miền Nam cũng không khá hơn. Ông Đặng Kiều Bá, Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau, cho biết: “Hiện nay, mỗi tuần chúng tôi có 8 lượt bay Cà Mau - TP.HCM nhưng thường những dịp lễ tết mới có đông khách, còn những ngày bình thường lượng khách không ổn định. Trong khi đó, chi phí cho mỗi chuyến bay rất cao. Trung bình, mỗi năm lỗ khoảng 5 tỉ đồng”.

Bà Phạm Thùy Trang, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cũng chia sẻ: “Hầu như tháng nào chúng tôi cũng lỗ. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên hiện nay có thể phục vụ 500 hành khách vào lúc cao điểm nhưng từ ngày đi vào khai thác, lúc cao nhất chỉ là 70-80 hành khách. Do lượng khách giảm nên tuyến Cần Thơ - Hà Nội chỉ còn 2 chuyến/ngày và phải bay bằng loại máy bay Fokker để tiết kiệm, thay vì bay bằng loại Airbus như trước đây; tuyến Phú Quốc cắt bay hai ngày trong tuần là thứ ba và thứ bảy, riêng Côn Đảo chỉ bay vào các ngày hai, tư, sáu và chủ nhật bằng máy bay loại nhỏ ATR 72. Đối với tuyến nước ngoài, trước Tết Nguyên đán, sân bay Cần Thơ khai thác được 30 chuyến đi Đài Loan, nhưng chủ yếu là vận chuyển hành khách từ Đài Loan về nước, còn chuyến đi thì chỉ lưa thưa vài khách. Có hôm vận hành cả bộ máy mặt đất gần cả trăm cán bộ, nhân viên để phục vụ cho chuyến bay sang Đài Loan chỉ chưa đầy 20 hành khách thì làm sao mà có lãi".

Nhiều tỉnh vẫn muốn lập sân bay

Làm sân bay không thể theo “mốt”

Trao đổi với Thanh Niên, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phát triển sân bay phải dựa trên nhu cầu thực sự chứ không thể chạy theo “mốt”, tỉnh nào cũng có sân bay cho riêng mình. Cần có quyết định từ T.Ư về việc phát triển sân bay ở nơi nào, trong phạm vi bán kính phù hợp. Phát triển sân bay cũng phải đi đôi với phát triển kinh tế, phải dựa trên chiến lược phát triển của quốc gia, chứ không phải chỉ theo quy mô chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Đối với những địa phương có nhu cầu không cao thì có thể cải tạo các sân bay quân sự để phục vụ dân sự, cho các loại máy bay nhỏ.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển các sân bay, dù lớn hay nhỏ cũng cần có tư duy kinh tế thị trường, xem có mang lại lợi ích cho quốc gia, cho địa phương hay không. Một vấn đề nữa là xây dựng nhiều sân bay nhưng lại quên phát triển đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc để kết nối với các địa phương lân cận.

Đề xuất tăng phí của các sân bay đang được các cấp thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, việc tăng phí cũng khó giải quyết được tận gốc câu chuyện lỗ, khi mà các sân bay này có quá ít chuyến bay đến và đi. Đó là chưa nói việc tăng phí sân bay cũng kích chi phí đầu vào của ngành hàng không tăng lên, tác động đến giá vé máy bay.

Thực tế, sân bay Cát Bi có số lượt chuyến đến/đi ở mức tương đối. 8 tháng đầu năm nay, số chuyến bay đi và đến Cát Bi là 3.200 lượt, bằng 79,61% kế hoạch năm, tăng 142,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lượt hành khách cũng tăng 138% so với cùng kỳ. Nhưng theo ông Viên, do chi phí cao nên lợi nhuận sau thuế của cảng nộp lên NAC rất thấp. Năm 2011, dự kiến doanh thu của Cát Bi là 33 tỉ đồng (năm 2010 là 29,2 tỉ đồng), nhưng lợi nhuận thấp, không đảm bảo được phát triển sản xuất và tái đầu tư.

Trong khi đó, nhiều tỉnh chưa có sân bay thì lên “cơn sốt” lập sân bay, những tỉnh đã có sân bay địa phương lại vào cuộc đua thành lập sân bay quốc tế, với lý do sân bay sẽ là đòn bẩy cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thanh Hóa, Long An, Hà Giang… đang rục rịch xây sân bay với những mục tiêu rất lớn và những khoản đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Đơn cử như sân bay Thanh Hóa, tổng số vốn đầu tư ban đầu theo dự kiến là hơn 2.600 tỉ đồng. Đáng nói là Nhà nước chỉ đầu tư những sân bay quan trọng, các sân bay nhỏ, địa phương sẽ phải tự lo nguồn vốn đầu tư. Cách đây không lâu, tỉnh An Giang đã tổ chức công bố quy hoạch sân bay đi kèm với kêu gọi các nhà đầu tư đổ vốn xây sân bay, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.400 tỉ đồng…

Một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết việc phát triển sân bay dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt. Có những vùng sâu vùng xa cũng “chiểu” theo quy hoạch đã được duyệt nên vẫn cần xây sân bay. “Hiện nay có 3 tổng công ty cảng hàng không, hạch toán tập trung, cảng địa phương nào thua lỗ đều được bù. Nhiều yếu tố dẫn đến chuyện lỗ lãi của các cảng chứ không phải chuyến bay nhiều hay ít”, ông này nói.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.