Suất đầu tư metro cao hơn 1,9 lần thế giới?

12/12/2015 07:12 GMT+7

Nếu so sánh chi phí đầu tư bình quân cho 1 km đường sắt đô thị của một số nước trên thế giới thì suất đầu tư trung bình của dự án điều chỉnh cao hơn khoảng 1,9 lần.

Nếu so sánh chi phí đầu tư bình quân cho 1 km đường sắt đô thị của một số nước trên thế giới thì suất đầu tư trung bình của dự án điều chỉnh cao hơn khoảng 1,9 lần.

Thi công tuyến metro số 1 TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức MinhThi công tuyến metro số 1 TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ngày 11.12, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình thực hiện các dự án xây dựng đường sắt đô thị (metro) TP.HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đã giải thích về suất đầu tư của tuyến metro số 2 cao hơn 1,9 lần bình quân của thế giới.
Trong văn bản mới đây của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) phúc đáp văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, Bộ KH-ĐT cho rằng việc điều chỉnh dự án này cần phải thẩm định kỹ các nội dung và lý do điều chỉnh. Việc điều chỉnh đã làm tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 1,374 tỉ USD lên 2,074 tỉ USD (do tăng vốn xây hầm và các nhà ga ngầm). Với việc tăng tổng mức đầu tư, suất đầu tư của dự án (đã trừ chi phí giải phóng mặt bằng) là 171 triệu USD/km. Nếu so sánh chi phí đầu tư bình quân cho 1 km đường sắt đô thị của một số nước trên thế giới thì suất đầu tư trung bình của dự án điều chỉnh cao hơn khoảng 1,9 lần.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về vấn đề này tại cuộc họp báo, ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP (BQL) cho biết BQL chưa nhận văn bản góp ý chính thức của Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên, BQL cũng biết thông tin này. Ông Cương cho rằng, Bộ KH-ĐT đã lấy tổng số vốn của dự án chia cho số ki lô mét để ra suất đầu tư 1 km như trên. Theo quy định hiện hành, suất đầu tư được tính bao gồm chi phí xây lắp cơ sở cộng với chi phí quản lý. Còn nếu tính đúng theo quy định của Bộ Xây dựng về cách xác định suất đầu tư thì dự án metro số 2 chưa đến 130 triệu USD/km. Chưa kể, để xác định suất đầu tư cao hay thấp còn tùy thuộc nhiều yếu tố như phần cơ điện của tuyến nhiều hay ít, số lượng đoàn tàu, đường ray, độ an toàn... BQL cũng đã báo cáo UBND TP, trên cơ sở đó xác định suất đầu tư metro ở TP còn thấp hơn các nước trong khu vực, như Singapore (hơn 200 triệu USD/km). Vấn đề này, để xác định chính xác cần có cơ quan tư vấn chuyên ngành đứng ra tính toán.
Ông Cương cũng cho rằng đường sắt đô thị có nhiều loại, có loại có sức chở lớn, có loại là đường sắt nhẹ, đường sắt nhẹ thì chi phí đầu tư thấp hơn. “Phải có sự so sánh phù hợp chứ không thể lấy số tiền chia chiều dài tuyến đường, như vậy không phù hợp, nhất là khi dự án chưa thi công”, ông Cương nói. Còn theo ông Hứa Quốc Hưng, Giám đốc BQL dự án tuyến metro số 2, UBND TP đã chỉ đạo BQL làm báo cáo chi tiết, cụ thể những phần nào tăng, nguyên nhân tăng. Trong các nguyên nhân tăng, phần trượt giá tăng 17%; khối lượng tăng 33% (nhất là các đoạn giao cắt giữa tuyến số 2 với các tuyến khác); tăng vì điều chỉnh thiết kế theo hướng ít ảnh hưởng đến người dân nhất (trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến người dân để điều chỉnh thiết kế cho hợp lý)... Theo ông Hưng, phải xác định là tăng vì nguyên nhân gì, trong đó 2 nguyên nhân chính là do trượt giá và tăng khối lượng.
Về tình hình thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Lê Khắc Huỳnh, Phó BQL cho biết gói thầu số 1a - xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP (gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro dài 515 m), đến nay đã có 10 nhà thầu mua hồ sơ, dự kiến mở thầu sau Tết Nguyên đán 2016 và triển khai thi công quý 4/2016, hoàn thành sau 48 tháng. Với gói thầu 1b - xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son (gồm 2 ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315 m), khối lượng thi công hiện đạt 9%. Gói thầu xây dựng đoạn trên cao và depot dài 17,1 km từ ga Ba Son đến tỉnh Bình Dương (gói thầu số 2), nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 đang thi công với khối lượng tổng thể đạt 45%. Gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng (gói thầu số 3) đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, cùng với depot Long Bình tại Q.9. Tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là 54.006 tỉ đồng, trong đó từ vốn vay ODA của Nhật là 48.515 tỉ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 5.491,6 tỉ đồng. Thời gian thực hiện 2007 - 2020, vận hành năm 2020.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,322 km, trong đó 9,315 km đi ngầm, 0,232 km chuyển tiếp, 0,778 km đi trên cao và 0,997 km nối vào depot Tham Lương (Q.12). Tổng mức đầu tư tuyến metro số 2 là 26.116 tỉ đồng, tương đương 1.374,5 triệu USD, hợp vốn từ các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức 313 triệu USD, Ngân hàng Đầu tư châu Âu 195 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM 326,5 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.