Tháo 'đầu ra' cho nhiệt điện than

14/11/2016 19:28 GMT+7

Một doanh nghiệp tư nhân vừa ký hợp đồng mua toàn bộ tro xỉ của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong 28 năm tới. Đây được coi là lời giải cho bài toán nguy cơ ô nhiễm môi trường của điện than mà dư luận lo lắng hơn một năm qua, sau sự cố tại Vĩnh Tân vào tháng 5.2015.

Nhà máy sốt sắng
Thông tin trên được ông Thiên Thanh Sơn, Phó giám đốc nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết khi trao đổi với báo chí mới đây. Theo ông Sơn, doanh nghiệp này có vốn đầu tư của Singapore, sở dĩ họ mua với khối lượng lớn như vậy để làm gạch không nung, đê lấn biển xuất đi nước ngoài. "Họ đang xúc tiến thủ tục với các sở ngành để xây dựng một nhà máy rộng 20 ha cạnh trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân", ông Sơn nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tân, ông Nguyễn Trung Trực cho biết thêm, sau sự cố bay tro xỉ năm ngoái, dù chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp khắc phục như xây tường chắn, tưới nước, lu lèn hằng ngày và từ đó tới nay chưa có sự cố tương tự nhưng người dân vẫn không hết lo âu. "Tôi có nghe hợp đồng này sẽ có hiệu lực từ năm 2017, có nghĩa là sau vài tháng nữa, nhà máy không còn phải "dự trữ" xỉ trong kho, có như vậy dân mới được giải tỏa", ông Trực chia sẻ.
Trong khi đó, hơn 1 triệu tấn tro xỉ hiện còn dư đang được xử lý tạm thời bằng tưới nước và lèn chặt để chờ Công ty Vạn Gia, một doanh nghiệp sản xuất gạch không nung tại địa phương tiêu thụ với số lượng 30 - 40 tấn/tháng.
Thị trường dè dặt
Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty Vạn Gia, cho biết sau 1 năm rưỡi ký hợp đồng, công ty vẫn chưa tăng lượng mua xỉ lên được vì nhu cầu sử dụng gạch này trong dân còn ít, hầu như chỉ bán được cho công trình vốn công. "Doanh nghiệp làm từ năm 2014 nhưng lượng tiêu thụ 3 năm qua gần như không tăng. Công suất chúng tôi hơn 6 triệu viên/năm nhưng vẫn tồn hơn 1 triệu", ông Vũ cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Trình, giám đốc một công ty làm gạch tại Trà Vinh thừa nhận, dù làm gạch từ tro xỉ có giá thấp hơn gạch nung, giá bán ra thấp hơn song chưa mấy ai mặn mà. "Tỉnh đã có chính sách công trình vốn nhà nước bắt buộc dùng gạch không nung, nhưng nói thật, để một doanh nghiệp nhỏ chen chân được vào khu vực công không phải chuyện dễ", ông Trình than vãn.
Theo ông Trình, việc doanh nghiệp đang mua xỉ với giá tại nhà máy là 24.000 đồng/tấn thì không đắt, nhưng không được hỗ trợ phí vận chuyển như nhiều nơi khác nên để 1 tấn xỉ đưa vào dây chuyền thì đắt gấp đôi giá các công ty mua ở Vĩnh Tân. "Cho nên, nếu không hỗ trợ thì sức cạnh tranh của sản phẩm này không lên được, khi đó đầu ra của tro xỉ cũng khó", ông nói.
Ông Nguyễn Hữu Thảo, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, thừa nhận tỉnh đã bàn nhiều lần cơ chế hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất gạch không nung, song để lấy ngân sách ra chi bù đắp phí vận tải, tiêu thụ… lúc này là không thể. "Tỉnh muốn phát triển sản xuất gần bãi xỉ, thông qua cơ chế ưu đãi với lĩnh vực đầu tư mới hoặc đất đai. Cùng với đó là tuyên truyền cho dân dùng sản phẩm này vì công trình nhà nước dùng được thì không lý gì dân lại chê", ông Thảo thông tin.
Tại hội thảo về nhiệt điện than vừa được Bộ Công thương tổ chức, Tập đoàn điện lực VN cho hay đến nay hầu hết các nhà máy đốt than như Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro xỉ. Điển hình nhất là nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ trong cả đời dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông để lấn biển... và sẽ bắt đầu nhận tro xỉ từ ngày 1.1.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.