Thiên đường du lịch Cát Bà vẫn... 'ngủ đông'

14/11/2015 09:09 GMT+7

Trong khi nhiều địa chỉ du lịch đang quá tải thì Cát Bà, một nơi được gọi là 'thiên đường' du lịch mùa thu - đông ở phía bắc lại đang ngủ yên, khi cảnh quan đẹp nhất, giá cả hợp lý nhất, hải sản là mùa ngon nhất.

Trong khi nhiều địa chỉ du lịch đang quá tải thì Cát Bà, một nơi được gọi là 'thiên đường' du lịch mùa thu - đông ở phía bắc lại đang ngủ yên, khi cảnh quan đẹp nhất, giá cả hợp lý nhất, hải sản là mùa ngon nhất.

Cát Bà nhìn từ pháo đài Thần Công - Ảnh: L.Q.PCát Bà nhìn từ pháo đài Thần Công - Ảnh: L.Q.P
Nhận định này là của ông Bùi Trung Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Cát Hải, TP.Hải Phòng khi nói về sự hấp dẫn của Cát Bà, nơi hầu như chỉ được nhớ đến trong mùa tắm biển dịp hè. Vậy thì, ngoài những bãi cát rất trắng, nước biển rất trong, Cát Bà có gì đáng để đến vào mùa này?
Với 366 hòn đảo lớn nhỏ, Cát Bà có một cảnh quan tuyệt đẹp với sự hài hòa giữa núi rừng và biển. Từ Hải Phòng, nếu đi xe để đến Cát Bà, sẽ cảm nhận rõ sự thú vị khi xe đi qua đảo Cát Hải, một đảo đất rất bằng phẳng với phong cảnh, nhà cửa vẫn nguyên sơ, u hoài, không khác gì những năm bao cấp. Con đường nhỏ xuyên qua các làng mạc, đầm bãi đầy ắp mùi mắm chượp tỏa ra từ xí nghiệp nước mắm Cát Hải rất nổi tiếng sẽ dẫn đến phà Gót, nơi mùa thu nước rất trong xanh và không có sóng lớn.
Khi đặt chân sang đất Cát Bà, cảnh quan nơi đây sẽ làm nao lòng những người lãng mạn: từng khu đầm bãi mênh mông với lá sú vẹt xanh mướt, trên bờ là rất nhiều bãi lau phất cờ bàng bạc trong nắng nhạt. Con đường xuyên đảo cứ thế dẫn ta đi giữa một bên là biển xanh ngắt bên tay phải, phía trái là vách đá dựng đứng, với những đàn dê nhởn nhơ trèo leo.
Với du khách đến Cát Bà bằng phà biển Tuần Châu, cơ hội khám phá cung đường kể trên sẽ được thay bằng một hành trình cũng thú vị không kém: Sau hơn nửa giờ bồng bềnh trên vùng nước giao thoa giữa Cát Bà và Hạ Long, xe sẽ đi qua các xã Gia Luận, Trân Crâu để về thị trấn. Đây là đoạn đường rất đa dạng, khi thì đi qua các đầm bãi, khi lên những dốc đá cao vút, lúc lại lọt xuống các thung sâu, có đoạn lại thẳng tắp giữa hai bên rừng cây mùa này đã hơi ngả vàng. Đây là cung đường đi qua vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Bà và nếu có dịp dừng chân, du khách có thể đi tham quan văn phòng của Vườn, hoặc vào một số đường nhánh đi sâu vào giữa rừng già, các hang, động mang tên Trung Trang, Quân Y khá hấp dẫn. Đơn giản hơn, có thể dừng lại mua mật ong đặc sản.
Còn nếu muốn đi thăm biển, có thể ra Bến Bèo để thuê khoảng 300.000 đồng một chuyến thuyền cho 6 người đi thăm vịnh Lan Hạ, một vùng biển - đảo khá thú vị phảng phất hình ảnh của vịnh Hạ Long. Từ những chiếc thuyền nan gắn máy này, nếu may mắn có thể thấy những chú voọc đầu trắng quý hiếm của toàn thế giới ngồi im như tượng trên các mỏm núi. Đích đến của hành trình này là xã Việt Hải, xã nhỏ nhất của TP.Hải Phòng, với chỉ gần 50 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu. Đây cũng là nơi được coi là đảo của đảo, rất hấp dẫn du khách ngoại, bởi cuộc sống tự cung tự cấp và biệt lập giữa rừng...
Những điểm đến kể trên tất nhiên đều có thể đến được vào mùa hè, điểm khác biệt mà du khách có thể nhận biết vào mùa này ở Cát Bà là sự trong trẻo, lãng mạn đến không ngờ, khi sự đông đúc, ồn ào, nực nội của mùa hè đã không còn nữa.
20 năm sau “công chúa vẫn ngủ trong rừng”
Cách đây hơn 20 năm, Báo Thanh Niên từng ví hình ảnh du lịch Cát Bà với nàng công chúa ngủ trong rừng chưa tỉnh giấc. Thật khó tin rằng, mãi đến cuối tháng 9 vừa qua, trong cuộc họp báo về một hội thảo phát triển du lịch Cát Bà, cả Giám đốc Sở VH-TT-DL Hải Phòng Đoàn Duy Linh lẫn Bí thư Huyện ủy Cát Hải Bùi Trung Nghĩa đều cho rằng, du lịch Cát Bà vẫn như một cô công chúa còn ngủ trong rừng. Đặc biệt, nói về sự vắng vẻ ở Cát Bà mùa này, ông Nghĩa chia sẻ: “Tôi không hiểu vì sao du khách chỉ đến Cát Bà vào mùa hè mà quên mất dịp thu - đông, đây mới là thời điểm phong cảnh Cát Bà đẹp nhất, lãng mạn nhất, khi đồ hải sản Cát Bà như cá, tôm, tu hài ngon nhất, rẻ nhất, giá phòng cũng thấp nhất”.
Du lịch Cát Bà vẫn còn nhiều bất cập, đó là giao thông đến hòn đảo này vẫn còn khó khăn. Đi bằng đường bộ, đoạn đường từ trung tâm TP.Hải Phòng đến bến phà Đình Vũ là một thử thách đối với mọi loại phương tiện khi phải vượt qua một quãng đường gian khổ đầy xe container và khói bụi của nhà máy phân bón DAP Đình Vũ, các chuyến phà quá chậm và đôi khi tỏ ra không an toàn. Còn nếu đi bằng tàu cao tốc, nhiều du khách cũng phải nếm trải cảm giác đáng sợ khi những chiếc tàu cũ nát và bé xíu chao liệng trên sóng nước và nhiều khi còn hỏng máy, trong khi giá vé không hề rẻ.
Ngay ở tại thị trấn Cát Bà, chất lượng dịch vụ buồng, phòng vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, theo kiểu mài dao cả năm để chặt chém trong mùa hè. Thậm chí, theo ông Bùi Trung Nghĩa, còn có chuyện một du khách ngoại quốc bị dọa cắt tai nếu không đền bù 20 triệu đồng khi chiếc xe máy mà anh ta thuê lại bị vài xây xước nhỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, muốn du lịch Cát Bà “thức giấc”, phải tạo được ra những đột biến về nhận thức và cơ sở hạ tầng, với những dự án mang tính thay đổi chiến lược về giao thông và cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, đồng thời với việc đào tạo lại nguồn nhân lực làm du lịch tại đây.
Đó là công việc của các nhà quản lý, còn đối với du khách, sự hoang sơ, thiếu chuyên nghiệp hiện tại của Cát Bà có thể cũng là nét thú vị, hấp dẫn, nhất là với những người ưa khám phá. Chần chừ gì nữa, hãy khoác ba lô lên và đi, Cát Bà mùa này đang rất tuyệt!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.