Ngày 6.6, trong buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM, UBND TP, các doanh nghiệp bất động sản “khóc” với Bí thư Đinh La Thăng nhiều nhất là gánh nặng về tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài và chi phí "lót tay" quá lớn.
Gánh nặng tiền sử dụng đất
Thay mặt các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nêu vấn đề bức xúc nhất mà DN đang phải gồng mình gánh chịu là tiền sử dụng đất (SDĐ) quá cao.
Trong khi tiền SDĐ hiện không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của luật Đất đai và luật Ngân sách nhà nước. Vì thế, nó trở thành "gánh nặng" của DN và người tiêu dùng, là "ẩn số" không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư và đã tạo ra cơ chế "xin - cho".
“Để minh bạch, hạn chế tham nhũng và tạo nguồn thu ổn định cho TP, về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền SDĐ” mà thay thế bằng sắc thuế SDĐ ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất”, ông Châu kiến nghị.
Một bất cập nữa theo ông Châu, nếu như trước đây việc thẩm định, xác định tiền SDĐ do Sở Tài chính đảm nhận thì nay có thêm sự tham gia của Sở Tài nguyên - Môi trường. Sở này đấu thầu qua mạng chọn công ty tư vấn xác định giá đất để đề xuất tính tiền SDĐ của dự án. Chi phí xác định giá đất do ngân sách chi trả, nên gần như các công ty tư vấn đều bỏ giá rất thấp (thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng) để được trúng thầu, sau đó công ty tư vấn sẽ "làm tình làm tội" chủ dự án và không loại trừ việc thỏa thuận kết quả xác định tiền SDĐ. Có trường hợp "khó xơi", công ty tư vấn bỏ của chạy lấy người. Điển hình như tại dự án 128 Hồng Hà (Q.Phú Nhuận) của Công ty CP thương mại Phú Nhuận, đơn vị tư vấn thẩm định giá bỏ giữa chừng dẫn đến việc định giá kéo dài và phức tạp khiến DN này lao đao.
Lãnh đạo một công ty BĐS cũng than phiền rằng việc khấu trừ tiền SDĐ hiện nay cũng đang quá bất công cho DN. Theo quy định tại Nghị định 45 thì "Khoản tiền tổ chức kinh tế đã trả để nhận chuyển nhượng quyền SDĐ được trừ vào số tiền SDĐ phải nộp khi chuyển mục đích", nhưng trên thực tế, Sở Tài chính chỉ duyệt mức khấu trừ bằng khoảng 20% chi phí thực mà DN đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng dự án; tiền SDĐ còn lại phải nộp rất nặng, bằng khoảng 80% chi phí đã giải phóng mặt bằng, nên gần như DN phải mua lại quyền SDĐ lần thứ hai.
Ông Nguyễn Cao Trí, thành viên HĐQT Công ty Capella Holdings, cho biết từ năm 2013 đã xin “chẻ” 46 căn hộ từ lớn sang nhỏ. UBND TP đã cho chủ trương nhưng đến nay các cơ quan chức năng chỉ cho “chẻ” 30 căn, số còn lại không cho vì vướng chỉ tiêu dân số. Hay Công ty Phú Long đấu giá mua 14 khu đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, H.Nhà Bè đã đóng tiền SDĐ 10 năm nay nhưng chỉ được cấp sổ đỏ cho 8 khu. Những khu còn lại chưa cấp do vướng... 2 hộ dân không chịu di dời. Hay Công ty Lê Thành khi làm dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê, chỉ duy nhất thủ tục xin chỉ tiêu dân số đã bị vướng ở UBND Q.Bình Tân 18 tháng nay chưa giải quyết xong khiến dự án chưa thể duyệt được quy hoạch 1/500. Số tiền lợi nhuận dự kiến 10% còn bị Sở Xây dựng đề nghị hiến tặng cho nhà nước.
“Lắng nghe và thay đổi ngay”
Trước những than phiền về tiền SDĐ quá cao, thời gian kéo dài, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, nói rằng hiện nay ông đã thống nhất với Sở Tài chính ra một quy trình xác định giá đất rút ngắn từ 2 năm trước đây có thể còn 30 ngày và đã được công bố công khai trên website của Sở. Quy trình này xác định giá đất cụ thể, từng bước làm như thế nào, ai phụ trách và chịu trách nhiệm. Nếu khâu nào chậm thuộc trách nhiệm của ai thì xử ở đó. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài chính cam kết thời gian thẩm định giá để xác định tiền SDĐ chỉ mất 5 ngày.
Ngay sau khi nghe phản ánh từ các DN, ông Đinh La Thăng nói ngay với ông Nguyễn Toàn Thắng, bắt đầu từ ngày mai thủ tục đóng tiền SDĐ chỉ 1 tháng phải xong. Nếu DN kêu mất mấy tháng thì ông Thắng là người chịu trách nhiệm. Liên quan đến phản ánh khấu trừ tiền SDĐ, ông Thăng cho rằng chỉ khấu trừ tiền theo phương án được duyệt, không thể khấu trừ theo thực tế bồi thường, bởi như vậy, DN muốn làm nhanh bồi thường cao ngất ngưởng rồi đòi khấu trừ thì không được.
Về phản ánh của các DN trước tình trạng TP đối xử không công bằng, có dự án được tăng quy mô dân số, có dự án không, ông Đinh La Thăng khẳng định quan điểm của TP là tạo môi trường bình đẳng cho tất cả DN làm ăn, kinh doanh. Ông Thăng yêu cầu trong thời gian tới, nếu dự án có đề nghị tăng quy mô dân số mà được chấp nhận, thì nhà đầu tư bắt buộc phải nộp thêm tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho phần diện tích kinh doanh tăng thêm, chứ không chấp nhận phương thức thu tự nguyện như hiện nay. Riêng về thủ tục xây dựng đối với độ cao công trình, ông Đinh La Thăng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì làm việc với các bên liên quan để công bố rõ vị trí nào cần xin phép. Những vị trí nào không cần xin phép thì nhà đầu tư chỉ cần dựa theo quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 để làm.
Tại buổi làm việc, ông Đinh La Thăng nhìn nhận thị trường BĐS có vai trò hết sức quan trọng trong thị trường chung của TP.HCM và cam kết: “Cứ 3 tháng lãnh đạo TP sẽ làm việc với HoREA một lần. Chúng tôi xem nhu cầu phát triển của DN là nhu cầu phát triển của TP. Tinh thần của chúng tôi là lắng nghe và thay đổi ngay”.
Bình luận (0)