Tích tụ đất đai quá chậm

15/04/2017 06:32 GMT+7

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh như thế ở hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp diễn ra hôm 14.4 ở Vĩnh Phúc.

Hội nghị được chủ trì bởi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, địa phương.
Chướng ngại vật lớn


Người dân lo rằng sau khi cho thuê đất sẽ không còn việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Hết thời hạn cho thuê đất thì mặt bằng sử dụng đất sẽ ra sao, còn có thể sản xuất nông nghiệp được nữa không...

Ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam

Đại diện Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho hay tình trạng ruộng đất được phân chia cho hộ gia đình nên phân tán, nhỏ lẻ đang là chướng ngại vật lớn trong việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất. Không ít hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp (DN) có khả năng và muốn đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhưng gặp nhiều khó khăn vì khó tích tụ, tập trung đất đai.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, số liệu kiểm kê đất đai năm 2015 cả nước có hơn 27,2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 82,36% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước và chiếm 88,1% tổng diện tích đất đang sử dụng vào các mục đích. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng hơn 15 triệu ha đất nông nghiệp (55,05% đất nông nghiệp cả nước); tổ chức kinh tế đang sử dụng hơn 2,7 triệu ha đất nông nghiệp (10,09% đất nông nghiệp cả nước); các cá nhân, tổ chức nước ngoài đang sử dụng khoảng trên 45.000 ha đất nông nghiệp (0,14% đất nông nghiệp cả nước). “Quá trình tích tụ, tập trung đất đai còn quá chậm, đất đai manh mún đang là vật cản người dân, DN đầu tư dài hạn vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận xét.
Cũng theo lãnh đạo Bộ TN-MT, thị trường chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta hoạt động còn yếu. Từ đó, để có nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vẫn chỉ là giấc mơ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tích tụ đất đai như quan điểm cực đoan là bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa; quan điểm không mở rộng hạn điền trong chuyển quyền sử dụng đất; việc công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp chưa được nhiều địa phương chú trọng; mức thuế phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác là cao so với lợi nhuận tạo ra từ sản xuất nông nghiệp; việc thu hồi đất đối với các trường hợp không hoặc chậm đưa đất nông nghiệp vào sử dụng chưa được thực hiện nghiêm...
Ngoài ra, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp nhưng lại chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống DN với khoa học công nghệ và thị trường nên chưa thúc đẩy việc chuyển dịch đất đai từ người nông dân sang đối tượng khác. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc tích tụ, tập trung đất đai hiện nay được thực hiện thông qua một số hình thức như liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thuê đất của người sử dụng; nhận góp vốn của người sử dụng đất.
Nhiều chuyên gia tại hội nghị đều cho rằng dù theo mô hình nào để tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao thì điều cốt lõi là phải tìm được đầu ra vững bền cho sản phẩm. PGS-TS Trần Thị Minh Châu, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu ý kiến thị trường đầu ra cho sản phẩm là yếu tố quyết định rất lớn đối với mục tiêu tích tụ, tập trung đất đai làm nông nghiệp. Nếu không làm tốt khâu này, thì tích tụ, tập trung đất đai không có nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, PGS-TS Châu cũng cho rằng phải có hành lang pháp luật, chính sách ruộng đất ổn định bền vững để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Đặc biệt, muốn có được diện tích đất đai quy mô lớn thì điều quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
Đảm bảo lợi ích cho nông dân
Chú trọng đầu ra cho sản phẩm
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh: Phải xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân cũng như có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với ứng phó biến đổi khí hậu, đặc điểm mỗi vùng, miền, khí hậu. Đặc biệt là chú trọng đầu ra cho sản phẩm khi tích tụ, tập trung đất đai làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà phải hướng đến thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, nhận định dù theo mô hình nào thì việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cũng không đơn giản. Tại Hà Nam, để có được một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay tại địa phương, cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đều phải vào cuộc vận động người dân trong thời gian dài.
“Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, điều kiện tiên quyết phải tích tụ, tập trung được đất đai diện tích lớn. Tuy nhiên, người dân lo rằng sau khi cho thuê đất sẽ không còn việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Hết thời hạn cho thuê đất thì mặt bằng sử dụng đất sẽ ra sao, còn có thể sản xuất nông nghiệp được nữa không... Do vậy, vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo được lợi ích của người nông dân khi tích tụ, tập trung đất đai”, ông Khang nói.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Ninh Bình khẳng định điều quan trọng là phải để người dân thấy được sự cần thiết và lợi ích khi tích tụ, tập trung đất đai trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí phân công lao động trên phạm vi địa phương, đảm bảo tốt công ăn việc làm cho lao động dôi dư khi tích tụ, tập trung đất đai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn gắn với tái cơ cấu, tránh bệnh hình thức, phong trào. Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và DN. Về cách thức, theo Phó thủ tướng, tích tụ ruộng đất, phải lấy DN, tổ chức hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực, có vai trò, khả năng tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường. Từ trang trại cốt lõi sẽ phát triển các mô hình trang trại vệ tinh để bổ trợ lẫn nhau.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, tích tụ ruộng đất, phải đi đôi với phát triển công nghiệp dịch vụ nói chung, ngành nghề ở nông thôn. Mục đích là tạo ra nhiều việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp. Đưa công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề về nông thôn. Muốn vậy, phải hoàn thiện thể chế giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức, thế chấp vay vốn bằng giá trị thuê đất, chuyển quyền sử dụng... Đồng thời, xây dựng chế tài, bảo đảm quyền bình đẳng giữa DN và người dân trong quá trình tích tụ, sử dụng ruộng đất. Cần phải xử lý nghiêm khi bất cứ bên nào sai, mới tạo động lực phát triển tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.