Tiểu thương chê chợ
Chợ Xuân Định (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc, Đồng Nai) được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2012. Chợ được quy hoạch thành chợ và khu phố chợ với diện tích trên 30.000 m2, tổng kinh phí hơn 38 tỉ đồng. Trong đó hạng mục chợ 6.000 m2 với kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. Bà Trần Thị Xuân, Kiểm soát viên HTX TM - DV Xuân Định cho biết, quy mô của toàn bộ dự án có 124 căn phố chợ, 74 ki ốt và sạp 72 sạp.
Mỗi ki ốt có giá từ 80 - 120 triệu đồng, sạp từ 40 - 50 triệu đồng, cho thời hạn 45 năm. Sau khi chợ hoàn thành (2012), chính quyền địa phương đã vận động và di dời tiểu thương từ chợ cũ Bảo Định (cách chợ Xuân Định khoảng 300 m) về chợ mới Xuân Định. Tuy nhiên, chỉ được vài hôm, tiểu thương lại kéo về chợ cũ buôn bán. Đến nay, dù chủ đầu tư cho vào buôn bán mà không thu phí mặt bằng, tiền nước, dọn rác… nhưng tiểu thương vẫn không chịu vào.
Tiểu thương Phạm Thị Nguyệt (55 tuổi) bức xúc nói: “Họ tự ý xây chợ, khi gần xong thì mời chúng tôi họp, bảo một ô mấy chục triệu rồi ép vào buôn bán. Chúng tôi năn nỉ giảm giá sạp chợ, ki ốt xuống nhưng họ không chịu. Lên chợ mới buôn bán ế ẩm, trụ không nổi nên chúng tôi quyết tâm dọn về chợ cũ”. Còn tiểu thương Nguyễn Thị Suy (63 tuổi) nói: “Chợ xây trong lô cao su, xa khu dân cư nên không có ai lên mua, hàng hóa ế ẩm mà giá thuê sạp lại đòi hàng chục triệu đồng. Giờ có cho không mặt bằng chúng tôi cũng không lên buôn bán nữa”.
Vận động tiểu thương vào chợ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Chủ tịch UBND xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho biết chợ Xuân Định được xây dựng theo quy hoạch năm 1999, phù hợp để phát triển chợ đầu mối. “Xã đã vận động hiến đất mở đường thông qua chợ mới cho bà con đi lại thuận tiện. Chủ đầu tư thống nhất không thu phí mặt bằng, phí tiền rác, nước… để kêu gọi tiểu thương nhưng họ không vào chợ. Giờ chúng tôi vẫn tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân vào chợ mới buôn bán”, bà Liên nói.
Trong khi đó, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai những chợ nông thôn được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trong giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn có 29 chợ xây mới và 24 chợ sửa chữa, nâng cấp (hiện trên địa bàn tỉnh có 132 chợ nông thôn hoạt động). Một số chợ đã thực hiện xây dựng xong và đưa vào họat động nhưng hiệu quả kinh doanh, khai thác còn hạn chế như chợ Xuân Định (H.Xuân Lộc), chỉ có 9/149 điểm kinh doanh đang hoạt động. Chợ Bàu Sen (ấp Núi Đỏ, xã Bàu Sen, TX.Long Khánh) chỉ có 10/39 điểm kinh doanh đang hoạt động. Chợ Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu), hiện có 25/50 điểm kinh doanh hoạt động. Cả 3 xã nêu trên đều được Sở Công thương thẩm định, đánh giá đạt tiêu chí số 7 - về chợ nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
“Để tăng cường hiệu quả hoạt động khi khai thác chợ, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều nội dung nhằm sớm đưa các chợ đi vào hoạt động hiệu quả, ổn định”, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai nói.
Thiết kế không phù hợp
Năm 2010, chợ Giang Điền (xã Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai) được xây dựng với vốn đầu tư gần 7,3 tỉ đồng. Nằm trên diện tích hơn 3.000 m2, chợ Giang Điền được thiết kế với 32 ki ốt và 172 sạp.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, số tiểu thương “rơi rụng” dần, đến nay chỉ còn một ki ốt làm tóc và 68 sạp bán rau quả, đồ tươi sống theo kiểu cầm chừng.
Số sạp và ki ốt còn lại để trống, cửa đóng then cài và bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban quản lý chợ Giang Điền nói: “Chợ thiết kế không phù hợp, dãy sạp bán rau quả, đồ tươi sống thì để khuất sau dãy ki ốt. Sân để giữ xe cũng nằm xa nơi buôn bán, không có khu tập kết rác…
Trong khi đó, gần chợ Giang Điền là chợ đầu mối Trà Cổ, chợ An Viễn (H.Trảng Bom) mặt hàng phong phú và giá rẻ nên thu hút nhiều người mua”.
Còn ông Đỗ Công Bộ, Phó chủ tịch UBND xã Giang Điền cho biết: “Xã đã làm việc với đơn vị thi công và thống nhất giảm mọi chi phí cho tiểu thương thuê ki ốt, sạp buôn bán để bám chợ. Đa dạng hóa mặt hàng, nghiên cứu giảm giá cả để thu hút bà con vào chợ mua bán nhằm cải thiện tình hình”.
|
Bình luận (0)