Tìm đầu ra cho rau an toàn

11/04/2016 10:43 GMT+7

Trong khi việc sử dụng rau an toàn đang dần trở thành xu thế tất yếu thì người sản xuất loại rau này ở TP.Cần Thơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa tìm được đầu ra ổn định.

Trong khi việc sử dụng rau an toàn đang dần trở thành xu thế tất yếu thì người sản xuất loại rau này ở TP.Cần Thơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chưa tìm được đầu ra ổn định.

Khách chọn mua rau an toàn tại HTX Nông nghiệp sinh thái ABC (P.Thới Bình, Q.Ninh Kiều) - Ảnh: Bách Hợp Khách chọn mua rau an toàn tại HTX Nông nghiệp sinh thái ABC (P.Thới Bình, Q.Ninh Kiều) - Ảnh: Bách Hợp
Bán bằng giá rau chợ
Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền (P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy), cho biết HTX có 18 thành viên, sản xuất trên diện tích 9,8 ha, chủ yếu là các mặt hàng rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, rau dền và các loại bầu, bí, mướp, dưa leo...
Được công nhận HTX đủ điều kiện sản xuất rau an toàn từ năm 2009 nhưng hiện nay, đầu ra của các loại rau này đang gặp rất nhiều khó khăn. “Sản lượng rau an toàn mỗi ngày của HTX đạt từ 2 - 3 tấn nhưng tôi chỉ bán được cho các cửa hàng rau sạch khoảng 70 kg. Số còn lại dù được trồng theo tiêu chuẩn an toàn cũng chỉ bán ra chợ như các loại rau thông thường”, ông Liêm nói. Theo ông Liêm, trồng rau an toàn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về giống, phân, thuốc, thời gian cách ly... nhưng năng suất lại không bằng các loại rau thường, bề ngoài của rau cũng ít bắt mắt do người trồng không lạm dụng phân thuốc. Tuy nhiên, giá rau an toàn HTX bỏ sỉ cho các cửa hàng cũng chỉ cao hơn từ 700 - 800 đồng/kg so với rau thường.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Phát (P.Thới An, Q.Ô Môn), cho biết mỗi ngày HTX chỉ bán cho các cửa hàng rau sạch trong nội ô thành phố khoảng 20 kg rau muống trong tổng số 3 tấn rau xã viên sản xuất, số còn lại ông thu gom bán cho thương lái. Nếu rau muống thường được bán từ 4.000 - 6.000 đồng/kg thì rau muống an toàn chỉ có giá 7.000 đồng/kg. “Tôi cũng nghĩ đến việc đưa rau HTX vào siêu thị nhưng các siêu thị chỉ lấy khoảng vài chục ký mỗi ngày, thanh toán tiền chậm và yêu cầu kiểm tra mẫu liên tục, trong khi nguồn hàng của HTX không đa dạng, đường sá vận chuyển còn nhiều khó khăn”, ông Bi trăn trở.
Loay hoay đầu ra
Cuối tháng 1.2016, Sở Công thương TP.Cần Thơ đã phối hợp mở 8 điểm bán rau an toàn tại các chợ, trung tâm thương mại, tuyến đường trung tâm. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, đến nay có 2 điểm đã ngừng hoạt động; 3 điểm kinh doanh hiệu quả không cao; chỉ có 3 điểm đặt tại Q.Ninh Kiều (chợ Tân An, Trung tâm thương mại Cái Khế và đường Hùng Vương) là có tín hiệu khả quan với số lượng tiêu thụ trung bình từ 25 - 40 kg/ngày.
Hiện trên địa bàn cũng xuất hiện một số điểm bán rau an toàn do tư nhân quản lý. Theo chị Thái Trang Đài, chủ điểm bán Rau Khỏe (P.An Cư, Q.Ninh Kiều), người tiêu dùng rất cân nhắc khi chọn mua rau an toàn vì giá cao hơn 20 - 30% so với rau bán ra ở chợ truyền thống. Mỗi ngày Rau Khỏe bán được khoảng 40 kg, chủ yếu cho những người có thu nhập cao… “Đây cũng là tín hiệu đáng mừng vì người dân đã bắt đầu quan tâm và chọn mua các sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng”, chị Đài cho biết.
Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, việc tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về việc sử dụng các sản phẩm rau, củ, quả sạch trong bữa ăn gia đình. Bên cạnh đó, các mặt hàng rau an toàn tại các điểm còn thiếu đa dạng nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Để rau an toàn có đầu ra, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết Sở đang vận động người dân đa dạng hóa sản xuất thông qua việc liên kết các HTX trong và ngoài thành phố; chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn bà con sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đồng thời thường xuyên lấy mẫu kiểm tra tại các cơ sở bán rau an toàn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.