Theo đó, với mảnh đất tại 80 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng công ty du lịch Sài Gòn vào tháng 10.2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn. Tuy nhiên, ĐSVN đã không tuân thủ quy định lập pháp nhân mới, đặc biệt quyết định giá trị vốn góp thấp hơn thực tế.
Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị vốn góp mảnh đất trên là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở, trong khi giá trị theo đơn vị thẩm định là 67,4 tỉ đồng. TTCP cũng xác định “Bộ GTVT đã không nắm được” vấn đề nên sau đó đã yêu cầu báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa xử lý gì.
Đối tác được lựa chọn là Công ty TNHH Hà Thành chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Thậm chí, đến nay dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì ĐSVN đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.
Theo TTCP, việc thực hiện thủ tục góp vốn của ĐSVN trái với Nghị quyết 94 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 - 2015, sai quy định của luật Đất đai về quyền của người sử dụng đất vì khi đó thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 28.8.1996 chưa có hợp đồng thuê lại.
“ĐSVN đã xem thường lợi ích nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đấu thầu”, TTCP kết luận; đồng thời cho rằng Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát ĐSVN trong việc góp vốn bằng tài sản và quyền thuê đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.
Bình luận (0)