Tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong…
Với vị trí địa lý một mặt giáp biển Đông và các sông lớn chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều như Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, Vàm Cỏ Đông, hiện TP.HCM có hơn 60% diện tích mặt đất thấp hơn mực nước đỉnh triều và khoảng 70% diện tích nằm trên nền đất yếu đang bị lún.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và mực nước triều ngày càng dâng cao trong khi mặt đất ngày càng hạ thấp do lún nền dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 2 chương trình: chương trình 752 (QH 752) thoát nước từ đô thị ra các kênh rạch, cải tạo nâng cấp, nạo vét các kênh rạch và chương trình 1547 (QH 1547) chống ngập úng với các giải pháp kiểm soát triều và chủ động hạ thấp mực nước trên các kênh trục. Trong đó, QH 1547 là chương trình lớn đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài và phân kỳ từng giai đoạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công dự án - Ảnh: L.Q
|
Chiều dài toàn bộ hệ thống xây dựng các cống ngăn triều trên các kênh rạch ngăn không cho triều xâm nhập vào trung tâm thành phố, để tăng cường tối đa, phát huy hệ thống thoát nước đô thị, chiều dài kè ngăn triều toàn bộ QH 1547 trên 60 km kè. Đây là công việc khổng lồ, không thể triển khai ngay đồng loạt vì kinh phí không dưới 3 tỉ USD.
Chính vì vậy, tháng 3.2015, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát QH 1547, kết quả về lâu dài, đặc biệt là với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, QH 1547 vẫn là phương án tốt nhất để lựa chọn. Vì vậy UBND TP.HCM đã chia thành nhiều giai đoạn để kêu gọi đầu tư.
Thực tế, có những cống ngăn triều (cống Thị Nghè), kè đã được xây dựng và đưa vào vận hành, hiệu quả đã được minh chứng. Từ những lý do trên, dự án được ra đời, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, theo hình thức BT với tiến độ dự kiến 36 tháng (2016 - 2018). Mục tiêu là thực hiện một phần cấp bách trong QH 1547 nhằm kiểm soát ngập do triều và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị (QH 752) và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường. Vùng dự án được giới hạn bởi: phía Bắc giáp rạch Tra, phía Nam giáp tỉnh Long An, phía Tây giáp kênh An Hạ, phía Đông giáp sông Sài Gòn và Nhà Bè, thuộc các quận - huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh, Hóc Môn.
Nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đưa ra phương án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều bao gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, quy mô bề rộng cống từ 40 - 160 m; xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/s, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24 m3/s, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18 m3/s.
Dự án đi vào hoạt động, tàu thuyền vẫn qua lại bình thường thông qua khoang cửa van và âu thuyền của các cống; xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh khoảng 7,8 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ từ 1 - 10 m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống Scada. Địa điểm xây dựng công trình thuộc các địa bàn quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, dự án triển khai trong 36 tháng. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong 24 tháng. Thời gian còn lại dành cho việc dự phòng, công tác hồ sơ và vận hành thử.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để việc ngập úng do triều có xét đến biến đổi khí hậu tại khu vực dự án, nhưng việc còn ngập trong đô thị hay không thì cần có sự đồng bộ của QH 752, tức là hệ thống thoát nước đô thị phải truyền tải nước thoát về kênh rạch, để các hệ thống bơm chuyển nước từ các kênh rạch ra ngoài sông lớn...
Bình luận (0)