Hai phương án liên quan đến quy định về trần lãi suất tại bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận xin ý kiến các đại biểu (ĐB) hôm qua (23.10).
Theo đó, phương án 1 cho phép các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Với phương án 2, lãi suất theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng là không cần thiết và không hợp lý, bởi đây là sự can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. “Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường, không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của VN về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO cũng như các thỏa thuận tại Hiệp định TPP mà chúng ta chuẩn bị tham gia”, ông nói.
TS Cấn Văn Lực, một chuyên gia về tài chính ngân hàng cũng cho rằng, việc áp trần lãi suất với các tổ chức tín dụng sẽ làm méo mó hoạt động tín dụng. Bởi quy định lãi suất nên để luật chuyên ngành (mà ở đây là luật Các tổ chức tín dụng) chi phối, thay vì quy định tại luật Dân sự, vừa không trúng và cũng không phù hợp.
Theo các chuyên gia, dù Quốc hội biểu quyết cho phương án nào thì cũng vẫn phải có quy định rõ ràng để xác định các tổ chức tín dụng được hoạt động theo luật chuyên ngành. Bởi nếu quy định về trần lãi suất vay tại bộ luật Dân sự điều chỉnh đối với cả hoạt động của các tổ chức tín dụng thì điều này không chỉ “bức tử” luật Ngân hàng Nhà nước, luật Các tổ chức tín dụng mà còn đi ngược với chủ trương tự do hóa lãi suất của nhà nước.
Bình luận (0)